Nhiều chính sách mới có lợi cho giáo viên

21-11-2023 07:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chia vùng để tính định mức giáo viên

Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập (Thông tư 20).

Theo đó, một trong những điểm nhấn của Thông này là quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên. Cụ thể, tại Điều 3 của Thông tư hướng dẫn, quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau: Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ; Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.

Số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông như sau: Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT; Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT; Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấpTHCS, THPT;

Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường THPT chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động. Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.

Nhiều chính sách mới có lợi cho giáo viên- Ảnh 1.

Một tiết học của giáo viên và học sinh Trường THCS Thống Nhất (Bà Đình, Hà Nội).

Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định nêu trên thì UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế.

Thêm 2 cấp học có giáo vụ, bổ sung vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông

Chia sẻ về những điểm mới của của Thông tư 20 này, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ, bao gồm: Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng); Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…); Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ,…); Nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).

Theo đó, các vị trí việc làm giáo vụ, thư viện, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật điều chỉnh từ nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Vị trí việc làm y tế chuyển sang nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm công nghệ thông tin được thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở; bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh.

Do có chuyển đổi về nhóm danh mục nên đối với vị trí "y tế học đường", "công nghệ thông tin" Bộ GD&ĐT đã có điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế học trường, công nghệ thông tin đã được tuyển dụng cũng như đang thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, việc bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh những bất ổn tâm lý trong học sinh là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua với những biểu hiện tiêu cực như bạo lực học đường, tình trạng bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới các hành vi lệch lạc, tiêu cực… Vị trí việc làm "giáo vụ" cũng được xác định ở cấp học tiểu học, THCS thay vì chỉ có ở cấp THPT và trường chuyên biệt nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên các cấp học này.

Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây về nội dung liên quan tới cải cách tiền lương, đặc biệt tiền lương của đội ngũ nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Bàn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì "vẫn còn thấp". "Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất".

Trước thông tin này, nhiều giáo viên trên cả nước bày tỏ sự vui mừng, ủng hộ chính sách và mong ước cải cách tiền lương cho giáo viên cần được quan tâm và sớm triển khai.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mần non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khố công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.

Trăn trở của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - người đề xuất ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt NamTrăn trở của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - người đề xuất ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam

SKĐS - "Những năm 1980, đời sống giáo viên rất khó khăn, tôi suy nghĩ, ngành giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và đó là nguyên nhân ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam", PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.


ĐV
Ý kiến của bạn