Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc với clip ghi lại hình ảnh một cô giáo sau khi kết thúc tiết dạy bị nhóm học sinh lớp 7 Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) liên tục chửi tục, ném giấy rác vào người. Khi giáo viên xách túi rời lớp thì nhóm học sinh này chốt cửa lại, "quây" không cho ra ngoài và dồn cô giáo vào góc lớp rồi hò reo, chửi bới, cười đùa, xúc phạm cô giáo của mình. Đỉnh điểm sau đó, một học sinh đã dùng dép ném trúng trán cô giáo...
Từ bao giờ, giáo viên lại không được bảo vệ đến như thế?
Qua vụ việc này, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên dạy cấp THPT tại Hà Nội cho rằng, dù ở môi trường công lập, dân lập, quốc tế,... hay bất kì một mô hình, hệ thống đào tạo nào, đừng bao giờ coi học sinh là "thượng đế". Nếu như coi giáo viên chỉ là nhân viên phục vụ cho một "mô hình kinh doanh giáo dục" và đưa học sinh, cha mẹ học sinh lên một mức "thượng đẳng" thì học sinh có thể coi thường các giáo viên đang giảng dạy.
"Từ bao giờ, giáo viên lại không được bảo vệ đến như thế khi thầy cô phải chịu áp lực từ các phía. Không phải thầy cô nào cũng may mắn được công tác trong những môi trường chuyên nghiệp và an toàn. Không phải lúc nào thầy cô cũng được giảng dạy trong những lớp học toàn con ngoan, trò giỏi.
Và một khi phải đối mặt với những học sinh cá biệt, dị biệt, lệch chuẩn đến mức đáng báo động thì nhiều khi giáo viên cũng phải im lặng, chấp nhận ngó lơ và bỏ qua cho xong chuyện. Có những tình huống học sinh xúc phạm cả về thể chất lẫn tinh thần giáo viên một cách quá đà, thầy cô tự vệ, phản ứng lại hoặc thiếu kiểm soát một chút là có thể sự nghiệp sẽ tan biến. Giáo dục không đòn roi là tốt nhưng giáo dục mà không có kỉ luật, kỉ cương, khuôn phép thì giáo viên không có quyền hành, nhà trường không có biện pháp mạnh với các học sinh này thì thực sự khó khăn", thầy Khánh nêu quan điểm.
Theo thầy Khánh, nếu cứ để tình trạng này diễn ra, những người có tâm và có năng lực không muốn theo con đường sư phạm nữa vì sẽ có nhiều ngành nghề an toàn hơn, có chế độ đãi ngộ cao hơn. Đến bao giờ truyền thống "tôn sư, trọng đạo" thực sự trả về đúng nguyên bản của nó. Đến bao giờ giáo viên luôn cảm thấy tự hào, hãnh diện và cảm thấy yên tâm vì mình theo con đường sư phạm. Sao lại để các "kĩ sư tâm hồn", những "người truyền cảm hứng" lại trở nên yếu thế như lúc này?
"Bạo lực học đường bây giờ còn có thêm nội dung là học sinh, thậm chí là cha mẹ học sinh tấn công tinh thần, thể chất và sự an toàn của giáo viên, gia đình của giáo viên nữa. Nếu chúng ta không có một cuộc cách mạng để nâng cao vị thế của nhà giáo, không chung tay bảo vệ nhà giáo tốt hơn, thì mọi sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới thi cử,... cũng chẳng có nhiều ý nghĩa".
Xử lý những học sinh phạm lỗi thế nào?
Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam có truyền thông "tôn sư trọng đạo" nên hành vi học sinh hành hung thầy cô giáo là không được phép. Tuy nhiên, cần xem xét nguyên nhân do đâu các em dẫn tới những hành động trên. Đối với những học sinh phạm lỗi, mục tiêu chính không phải là kỷ luật các em mà là giáo dục cho học sinh nhận thức những sai lầm để từ đó sửa chữa.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, vấn đề cần giải quyết là căn cứ vào tâm lý học sinh để đưa ra các phương pháp giáo dục phù hợp thay vì trút giận, đòi hỏi sự công bằng hay kỷ luật học sinh. Cùng với đó là dựa trên cơ sở công tác quản lý, tổ chức của nhà trường. Đồng thời nên yêu cầu học sinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. "Tất cả các học sinh có hành vi bạo lực học đường không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Như vậy, những học sinh này cần phải đối diện với cơ quan chức trách và có những hình thức phạt và xử lý phù hợp".
Về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh, theo luật sư Tạ Phương (Văn phòng luật sư Trung Hòa), tại khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định.
Học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức nêu trên. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.
Đến thời điểm này, công an huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, vẫn đang tiếp tục làm việc với một số học sinh và những người có liên quan trong sự việc đáng tiếc xảy ra ở Trường THCS Văn Phú. Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú Nguyễn Duy Sáng cho biết, khi sự việc được cơ quan chức năng làm rõ, nhà trường sẽ xử lý nghiêm số học sinh vi phạm, nhưng sẽ chú trọng tính nhân văn để các em nhận thức và có cơ hội sửa sai.
Về phía Bộ GD&ĐT, liên quan tới vụ việc này, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục. Công văn nêu, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cả nhân, đơn vị liên quan khác.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác: quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giảo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.