Lương giáo viên và nhiều chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12

04-12-2023 07:46 | Xã hội

SKĐS - Từ tháng 12, bốn nhóm chính sách đặc biệt quan trọng: xếp lương giáo viên dạy người khuyết tật, xây dựng trường học an toàn, sắp xếp lại vị trí việc làm trong trường phổ thông và mầm non chính thức có hiệu lực.

Quy định xếp lương giáo viên dạy người khuyết tật

Từ 16/12, Thông tư số 21 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập có hiệu lực. Những nội dung quy định tại thông tư gồm: Nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật…

Theo thông tư, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 đối với 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1, viên chức đang làm công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư liên tịch số 19 năm 2016 khi đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.

Trường hợp 2, được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sau ngày thông tư này có hiệu lực và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định.

Giáo viên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định.

Quy định định vị trí việc làm trong trường phổ thông, chuyên biệt công lập

Ngày 30/10, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12.

Danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ, bao gồm: Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng). Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…). Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ,…) và nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).

Lương giáo viên và nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 12- Ảnh 1.

Nhiều chính sách về lương, vị trí việc làm giáo viên có hiệu lực từ tháng 12/2023. Ảnh minh họa.

Thông tư bổ sung một vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông. Thông tư này cũng chia vùng để tính định mức giáo viên. Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định.

Quy định định vị trí việc làm trong trường mầm non công công lập

Thông tư số 19 quy định về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng có hiệu lực từ giữa tháng này. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ được bố trí 1 hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo Nghị định 120 năm 2020 của Chính phủ.

Với sĩ số nhóm trẻ sẽ được tính: 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi, 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.

Với lớp mẫu giáo: sĩ số 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.

Những trường không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định thì tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, cơ sở giáo dục có dưới 20 trẻ khuyết tật thì được bố trí 1 giáo viên; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật trở lên thì được bố trí tối đa 2 người. Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Các cơ sở giáo dục mầm non được bố trí 2 người để thực hiện các nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện. Riêng các trường mầm non có từ 5 điểm trường trở lên hoặc có từ 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên thì bố trí 3 người. Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ.

Xây dựng trường học an toàn

Ngày 12/12, Thông tư 18 về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường hợp có hiệu lực thi hành. Thông tư này hướng dẫn nội dung, biện pháp, kiểm tra, đánh giá xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo 2 mức: Mức "Đạt" - tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá ở mức "Đạt", trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức "Đạt". Mức "Chưa đạt" là không đáp ứng quy định ở trên.

Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Nói về đội ngũ nhân viên y tế học đường trong trường học hiện nay, theo TS. Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhiệm vụ y tế trường học là một nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc và không thể để xảy ra sai sót vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó là các công tác liên quan khác như: Công tác thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời… Đặc biệt, trong điều kiện thực hiện Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, vai trò của đội ngũ y tế học đường càng phải được quan tâm.

Để đội ngũ nhân viên y tế học đường yên tâm công tác, bảo đảm chất lượng của chăm sóc y tế ban đầu ở các trường học, TS. Vũ Minh Đức cho rằng, xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác y tế học đường và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường, ngoài việc tiếp tục đề nghị các địa phương quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân viên trường học, trong đó có y tế học đường hiện có, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng, từ đó bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học.

Mức thưởng Tết năm 2024 dành cho giáo viên thế nào?Mức thưởng Tết năm 2024 dành cho giáo viên thế nào?

SKĐS - Chỉ còn 1 tháng nữa là Tết Dương lịch 2024 và tiếp ngay sau đó là tới Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm này, nhiều đơn vị đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động và chuẩn bị báo cáo mức thưởng Tết năm 2024 về Bộ LĐ-TB&XH.

ĐV
Ý kiến của bạn