Hà Nội

Thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Giáo viên, chuyên gia nói gì?

30-11-2023 08:05 | Xã hội

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, nhiều giáo viên và chuyên gia đều đồng tình với phương án này.

Sau bao ngày cả người học và người dạy mong ngóng, đợi chờ thì mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chính thức. Theo đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chính thức là phương án 2+2. Nghĩa là từ năm 2025, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án 2+2, học sinh và phụ huynh và cả giáo viên đều rất phấn khởi.

"Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành, do vậy, phương án 2+2 sẽ giúp học sinh giảm áp lực thi cử, đáp ứng đúng nhu cầu thực sự học sinh. Học sinh tập trung hơn cho các môn theo năng lực, sở trường, theo đúng tổ hợp môn học đã chọn ở THPT và đúng mục tiêu định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, phương án 2+2 sẽ đảm bảo công bằng giữa hai hình thức học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, sẽ phù hợp hơn và gia tăng cơ hội xét tuyển vào các khối ngành khác nhau cho học sinh nếu có thể chọn nhiều hơn 2 môn tự chọn. Ví dụ như học sinh có nguyện vọng thi hai khối thì sẽ được chọn 5 môn thi. Tôi hy vọng, kỳ thi năm 2025 sẽ được tổ chức công bằng và minh bạch ở tất cả các khâu và có mức độ phân hóa học sinh", cô Giang nêu quan điểm.

Cùng ủng hộ phương án thi này, thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên môn Sinh học cấp THPT tại Hà Nội cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 với 4 môn là phù hợp vì thí sinh sẽ thi 3 buổi, giảm 1 buổi so với hiện nay sẽ giúp các em học sinh giảm áp lực thi cử, giảm chi phí cho gia đình thí sinh và cả xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp.

Theo thầy Khánh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học rất nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần đảm bảo những yêu cầu kiến thức cần đạt, chủ yếu phát triển kỹ năng, hình thành phẩm chất. "Do vậy, đề thi cũng nên điều chỉnh, bám sát nền tảng kiến thức cần đạt, không nên ra đề khó khiến học sinh phải đi học thêm. ‏Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cả một hệ thống đi từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, xét tốt nghiệp phải gắn với quá trình 3 năm THPT của học sinh, không thể quyết định xét tốt nghiệp bằng điểm số của 4 môn, 5 môn hay 6 môn".

Thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn: Giáo viên, chuyên gia nói gì?- Ảnh 1.

Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh minh hoạ).

Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn là phù hợp.

Thầy Nhĩ cho rằng, với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn là đúng bởi bất cứ học sinh nào trước hết cũng phải biết viết văn, không được phép sai câu cú, ngữ pháp còn môn Toán là môn thể hiện trình độ cơ bản để có thể học thêm các môn khác. "Đối với 2 môn tự chọn tôi cho là phù hợp. Trong nhiều môn học, học sinh thích đăng ký môn nào theo năng lực của mình thì tự chọn. Tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 như vậy tôi thấy vừa phải. Tuy nhiên với điều kiện học sinh cũng phải tập trung học tất cả các môn thay vì chọn môn nào chỉ tập trung vào môn đó.

"Sau khi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi này, tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục sát sao việc giảng dạy sao để các em đồng đều các môn và đạt kết quả tốt nhất".

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học, Chương trình GDPT 2018 cho rằng, so với các phương án còn lại, phương án thi 2+2 thể hiện được tính ưu việt vượt trội và có thể nói hầu như không có điểm yếu đáng kể. Phương án này nhận được tỉ lệ bầu chọn gần như tuyệt đối trong các cuộc họp chính thức lấy ý kiến và sự đồng tình ủng hộ rất lớn của đại đa số giáo viên và xã hội. Tính ưu việt đầu tiên nằm ở việc thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong việc giảm nhẹ áp lực thi cử cho học sinh. Đồng thời, phát huy được tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhất là THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

"Điều tôi tâm đắc nhất của phương án thi 2+2 là lần đầu tiên đưa hai môn Công nghệ và Tin học vào số các môn lựa chọn trong kỳ thi mà bấy lâu nay chưa bao giờ được chọn để thi cử. Phương án thi 2+2 cũng phù hợp để đánh giá được năng lực của người học cũng như giúp học sinh có định hướng rõ ràng và chuẩn bị tâm thế cho nghề nghiệp tương lai".

Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2024, hướng xử lý thế nào?Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2024, hướng xử lý thế nào?

SKĐS - "Đối với những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 - lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ thì các em hoàn toàn có thể yên tâm", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn