Hà Nội

Vô cảm với dân

29-09-2014 14:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vô cảm với dân chính là sự bất nhân, là tội ác không thể tha thứ! Chuyện của xã Đức Bồng âu cũng là bài học cho những ai đang là "công bộc" của dân.

Đọc bài báo về một bé gái lớp 3 đói lả, chết đuối dưới mương khi đi học về, tôi không cầm được nước mắt. Bao dấu hỏi, bao điều cứ quay cuồng trong đầu: Một đất nước xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới mà tại sao có người chết đói? Tại sao một đứa trẻ lại chết đói? Vai trò của chính quyền địa phương và các đoàn thể ở đâu? Tại sao chính quyền xã lại"sơ suất" khi để gia đình cháu bé ở hộ cận nghèo (!?) Liệu có sự cố tình không? Chẳng lẽ họ lại không biết gia đình cháu khánh kiệt vì mới đưa cháu mổ tim về? Cái chết thương tâm của cháu khiến những ai có lương tri thương cảm, đau xót, day dứt và ám ảnh.

Ở các làng xã bây giờ có nhiều điều nhức nhối, xót xa và cả phẫn uất lắm. Có nhiều vị quan xã hách dịch được xem như những lý trưởng, chánh tổng mới. Nhiều địa phương  xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá mà bắt cả những gia đình có nạn nhân chất độc da cam khốn khó và nhiều hộ nghèo khác phải vay lãi cắt cổ để nộp tiền. Đó là căn bệnh thành tích. Lâu nay chúng ta phê phán ngành giáo dục mắc bệnh thành tích. Đúng. Nhưng căn bệnh trầm kha này có trong cả xã hội, có trong tất cả các cấp, các ngành.. Vì thành tích mà có những bản báo cáo rất kêu, rất hay. Thế nên mới có câu:   "làm thì láo, báo cáo thì hay".

Khi biết có chính sách hỗ trợ người nghèo, danh sách hộ nghèo xã gửi lên sẽ rất nhiều. Mục đích là để nhận được nhiều tiền. Nhưng khi cần kể thành tích, người ta lại rút bớt số liệu hộ nghèo đi. Nhiều địa phương còn gian dối khi đưa những hộ khá giả, không nghèo nhưng là người thân của mình vào hộ nghèo để lấy tiền hỗ trợ. Những hộ nghèo đáng được nhận tiền lại bị ra rìa. Chuyện quan xã ăn chặn tiền của dân thì có muôn ngàn quỷ kế. Tiền hỗ trợ nông dân sản xuất, tiền hỗ trợ thiên tai, tiền cho đối tượng chính sách...tiền gì cũng bị xà xẻo. Chỉ tội cho người dân thấp cổ bé họng! Nhiều người tố cáo thì bị chính quyền trù úm, không ngóc đầu lên được.

Bàn thờ đơn sơ bày di ảnh bé Nhung

Bàn thờ đơn sơ bày di ảnh bé Nhung

Trở lại chuyện cháu Phạm Thị Nhung, học sinh lớp 3, trường Tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh chết đói trên đường đi học về. Đói mà chết. Lại chết trôi! Chết mà tìm không có bộ quần áo lành để liệm! Chết mà trong nhà không có bát gạo nấu cơm cúng, không có đĩa bát thắp hương! Không thể tin nổi! Có lẽ gia cảnh cháu còn khổ hơn cả nhà chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố thế kỷ trước. Gia cảnh cháu như vậy không phải vì bố mẹ cháu lười lao động mà do hoàn cảnh đông con, con lại bệnh tật.

Có bao chuyện đau lòng về dân nghèo. Chuyện một người mẹ trẻ vì quá nghèo đã tự tử để hai con được ăn học. Chuyện nhiều người quá nghèo phải bán thận. Chuyện nhiều HS miền núi phải săn chuột ăn cho thỏa nỗi thèm thịt,.v...v..

Nếu không vô cảm, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã không để xảy ra tình trạng như vậy!

Để không còn những cái chết thương tâm, không còn có những HS quá nghèo khổ  như nêu trên, đề nghi cấp trên cần có những quy định cụ thể trách nhiệm cho cấp chính quyền địa phương khi để có những hộ quá bi đát như vậy. Đề nghị lãnh đạo cấp trên thường xuyên vi hành đột xuất để lắng nghe ý kiến trực tiếp của dân chứ không nghe lãnh đạo xã báo cáo. Đó mới chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập phong cách làm việc của Người, để biết chính xác đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cần xử lý nghiêm những quan chức các địa phương còn để người dân đau khổ, thê thảm như trên.

Không thể ngụy biện như ông chủ tịch UBND xã Đức Bồng: "Chính quyền xã có sơ suất là đã đưa gia đình anh (anh Vân) thoát khỏi hộ nghèo lên hộ cận nghèo"(!?). Tại sao một hộ cùng đinh như vậy mà xã lại đưa lên hộ cận nghèo? Vậy tiêu chuẩn như thế nào mới là nghèo?Chính quyền quan liêu hay vô cảm đến mức bất nhân với dân như vậy? Nếu có tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng, ông chủ tịch xã nên từ chức, không nên biện minh bằng bất cứ lời nào!

Vô cảm với dân chính là sự bất nhân, là tội ác không thể tha thứ! Chuyện của xã Đức Bồng âu cũng là bài học cho những ai đang là "công bộc" của dân.

 Nhà giáo Trịnh Thị Thuận

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn