Vô cảm, căn bệnh xã hội?

19-01-2014 22:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Không khó lắm để tìm ra những dẫn dụ về thói vô cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vô cảm diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều tầng lớp kể từ dân thường đến cán bộ đảng viên.

Không khó lắm để tìm ra những dẫn dụ về thói vô cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vô cảm diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều tầng lớp kể từ dân thường đến cán bộ đảng viên. Tham nhũng, cửa quyền cũng là một dạng vô cảm nguy hiểm, rất nguy hiểm vì nó không đếm xỉa tới lợi ích của đất nước và nhân dân. Đấy chính là biểu hiện của quan niệm “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Chiếc túi của quan tham thì không bao giờ có kích thước ba gang cả mà nó tựa như vô đáy. Tiền Nhà nước thực chất là của nhân dân bằng cách này, cách khác chảy vào túi họ và oái ăm thay một tầng lớp cá mập mới giàu sụ ra đời vượt xa hàng chục, hàng trăm lần mức sống của người dân lao động. Họ không quan tâm đến sự tụt hậu hay kinh tế phát triển chậm, không để ý tới cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của số đông nhân dân, không nghĩ về lòng tin của quần chúng vào Đảng bị giảm sút, không đau đáu với sự vững bền và tương lai của chế độ. Cơ hội được giàu có khi giữ được chức quyền khiến không ít người tìm mọi cách để chạy ghế. Có vẻ như động từ chạy được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống: chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy kinh phí... rồi chạy trường, chạy lớp, chạy nơi làm việc... Làm những việc này, số người ấy vô cảm ngay chính với mình khi không coi trọng nhân cách, danh dự và lòng tự trọng của bản thân.

Trong cái xấu, cái ác bao giờ cũng chứa đựng sự vô cảm, gây thiệt hại lớn trong xã hội.

Trong đời thường cũng vậy, cái thói vô cảm lan tràn mọi nơi, ở mọi lứa tuổi. Đáng sợ nhất, khi vô cảm đang trở thành thói quen ứng xử thường ngày của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ. Có thể, lớp trẻ đang hoài nghi vào những lý tưởng và giá trị truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cố gắng tuyên truyền giáo dục. Tính thực dụng tăng lên vô bờ bến và đồng hành với nó là thói vị kỷ cực đoan, khiến họ xa lánh cái tốt đẹp, cái cao cả và lòng lương thiện. Sống cho mình, vì mình hơn là sống cho người khác, vì người khác. Sống khôn ngoan là biết mang nhiều lợi ích về cho bản thân, gia đình, họ hàng mình mặc kệ thiên hạ đói rách, nghèo đói, đau khổ ra sao. Ngược lại, là ngu si, dốt nát, thiếu thức thời. Tại sao một sinh viên trẻ khỏe lại không chịu nhường ghế cho một cụ già, một phụ nữ mang thai trên xe buýt nhỉ? Tại sao vì một chút xích mích cãi cọ nho nhỏ mà người ta lại hành hung đâm giết nhau? Tại sao có những cô bảo mẫu hành hạ trẻ thơ? Tại sao lại có những vụ “hôi” bia vô cùng xấu hổ ở một tỉnh phía Nam? Tại sao? Tại sao? Có thể đặt ra rất nhiều, rất nhiều câu hỏi như thế về thói vô cảm trong xã hội ta hiện nay.

Tôi nghĩ, vô cảm đang trở thành căn bệnh xã hội mà ai cũng có thể mắc phải nếu như chỉ biết nghĩ tới mình. Nguyên nhân phát bệnh là do sự tác động tiêu cực từ những suy thoái trầm trọng đạo đức xã hội và kỷ cương lỏng lẻo. Tuyên truyền giáo dục chỉ có hiệu quả tốt khi nó được gắn liền với thực hành. Không ai đặt niềm tin và làm theo những kẻ “nói thì hay cày thì dở” cả. Người dưới nhìn vào người trên, trẻ em trông vào người lớn, nhân viên ngó lên thủ trưởng để nghĩ và hành động.

Một xã hội giàu tình thương và trách nhiệm khi nó được đặt trên nền tảng đạo đức cao đẹp và kỷ cương nghiêm minh. Chúng ta đang thiếu cả hai yếu tố này và chính đó là cơ hội, là môi trường phát sinh, dung dưỡng cho thói vô cảm. Tính gương mẫu cũng là phần thiếu hụt rất lớn trong xã hội ta, làm cho thế hệ trẻ mang cảm giác bơ vơ, hoang mang không biết nhìn vào ai, trông vào đâu để chọn lựa cho mình lối sống phù hợp.

Không thể làm ngơ với thói vô cảm được nữa rồi, theo tôi thì đã đến lúc phải gọi nó là căn bệnh xã hội. Căn bệnh này nguy hiểm lắm, nó có thể di căn thành những ung nhọt mà triệu chứng dễ thấy nhất là thói bàng quan, vô trách nhiệm và con đường dẫn tới tội ác không xa mấy. Từ chỗ thờ ơ, lãnh cảm với những việc nhỏ con người ta dễ bị “ma đưa lối quỷ đưa đường” dấn thân vào những việc xấu lớn hơn, trầm trọng hơn. Từ chỗ làm ngơ, bỏ qua không cứu kẻ bị nạn người ta có thể coi rẻ mạng người.Từ chỗ tham ô vài chục triệu trót lọt người ta có thể tìm cách kiếm chác phi pháp mấy nghìn tỉ. Chạy được một chức thành công người ta sẽ không ngại ngần gì để tiếp tục chạy các chức khác...

Khi cái xấu lớn thêm, nhiều hơn, con người dễ trở thành ác quỷ mà trong tội ác bao giờ cũng ẩn chứa sự vô cảm đáng ghét. Hiện nay, không phải ta không gặp, không thấy những người tốt, việc tốt nhưng nhìn tổng thể vẫn có cái gì đấy làm cho ta không yên lòng khi thấy xã hội đang quá nhiều sự nhiễu nhương, lộn xộn. Tôi nghĩ, điều đáng sợ nhất không phải là kinh tế chưa phát triển mạnh, nước ta chưa giàu có mà đạo đức xã hội đang bị băng hoại, nhiều giá trị truyền thống bị xem nhẹ và lý tưởng cao đẹp bị nhòa mờ.

Chúng ta đã đánh mất không ít giá trị cao đẹp đã có từ thuở còn đói cơm thiếu áo. Nay phần lớn cơm đã no, áo đã ấm, lẽ nào chúng ta lại để cho xã hội xuống cấp như thế này.Tôi tin điều ấy day trở trong lòng không ít người và chắc ai cũng mong cho xã hội mình tốt đẹp hơn. Sống có tình cảm, có trách nhiệm là liều thuốc chống căn bệnh như ta nói. Tuy nhiên, để nó trở thành hiện thực sống động thì từ lãnh đạo đến thường dân, từ gia đình tới trường học, từ già đến trẻ, từ mỗi cá thể đến toàn xã hội... còn có rất nhiều việc cần làm, phải làm ngay từ bây giờ.

Nguyễn Hữu Quý

 


Ý kiến của bạn