Ngay ngày đầu năm mới 2014, dư luận bàng hoàng khi thấy cảnh mặt cháu Võ Văn Tiến ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bị rạch nát bởi hàng trăm nhát kéo ngang dọc, làm biến dạng khuôn mặt trẻ thơ của cháu. Con “ma nữ” Lê Thị Thanh Dung - người ở sát vách nhà cháu là thủ phạm của việc làm vô nhân tính này đã bị cơ quan CSĐT huyện Tư Nghĩa khởi tố về hành vi “cố ý gây thương tích”. Hành động trên của Thanh Dung đã làm chấn động người thân, hàng xóm cùng cư dân mạng. Mẹ cháu Tiến đau đớn, quặn người mỗi khi nhìn khuôn mặt của con trai mình bị biến dạng. Khi có người hỏi về người đàn bà hành động như con dã thú này, ai cũng nói như chửi: “Con Dung này nó cũng có con cái mà làm cái việc tàn nhẫn quá, đứa con nít mới có vài tuổi có tội gì đâu mà dùng kéo rạch nát mặt cháu nhỏ tội nghiệp quá”.
Có người cho rằng, “thú” hành hạ người khác, đặc biệt là đối với trẻ em như trường hợp Thanh Dung là có dấu hiệu của bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, nếu bị bệnh thực sự thì cần phải đi chữa trị, sao lại để hành hạ một đứa trẻ từ lúc 2 tháng tuổi đến nay cháu đã lên 2. Đây là việc làm vượt quá giới hạn của sự vô cảm, mà đã trở thành tội ác đối với đồng loại, khi tính “con” lấn át tính “người” ở Thanh Dung. Dù có bị bệnh đi chăng nữa cũng không vì thế mà đang tay hành hạ tàn ác đối với một đứa trẻ như cháu Tiến. Hành động này cần phải nghiêm trị về mặt pháp luật và lên án mạnh mẽ về mặt dư luận, để các cháu không còn phải sống dưới nanh vuốt của những con ác thú hình nhân như Thanh Dung.
Khuôn mặt cháu Tiến bị Lê Thị Thanh Dung dùng kéo rạch nát.
Cũng cần nói thêm rằng, bố mẹ, hàng xóm, láng giềng, chính quyền địa phương và những người thấy một đứa trẻ bị rạch mặt nhiều lần trong suốt một thời gian dài như thế mà không lên tiếng, còn im lặng, làm ngơ mới là vô cảm. Nếu cháu Tiến là con cháu nhà mình, thì mọi người sẽ phản ứng ra sao, đừng nghĩ rằng đấy là con cháu người khác, không liên quan gì đến mình theo kiểu “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Đấy đích thị là biểu hiện của tính ích kỷ cá nhân, chỉ biết mình mà không quan tâm đến người khác. Chỉ tiếc là tính ích kỷ cá nhân và bệnh vô cảm xã hội nhiều khi không hề có ranh giới.
Trước đấy ít lâu, vào cuối tháng 12/2013, dư luận cũng đã quá bức xúc vì vụ hành hạ trẻ em của các cô nuôi dạy trẻ ở cơ sở Phương Anh, địa chỉ số 18 đường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM do Lê Thị Đông Phương làm chủ, cùng Nguyễn Lê Thiên Lý, Nguyễn Thị Điều. Viện KSND quận Thủ Đức đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý vì tội “cố ý hành hạ trẻ em”. Các “mẹ hiền” ở đây hết đánh đập, nhồi nhét thức ăn đến mức các cháu phải ói mửa, rồi dùng khăn bẩn lau cho các cháu và cuối cùng là bế cháu lên dìm đầu vào thùng nước lạnh. Ngay cả đối với người lớn cũng chẳng thể nào chịu được cảnh đòn roi tra tấn như thời trung cổ, chứ đừng nói gì đến các cháu tuổi mầm non.
Vì sao một cơ sở giáo dục hoạt động không có giấy phép và đã tồn tại khá lâu trên địa bàn mà ngành giáo dục không hề hay biết, chính quyền sở tại cũng bỏ ngoài tai, thậm chí cha mẹ các em cũng không hề lên tiếng phản đối? Họ thực sự không biết, hay là biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ? Liệu có phải các cấp, các ngành và mọi người vì quá bận bịu với những công việc “vĩ mô” mà xem thường những việc tưởng là “nhỏ như con thỏ”, nhưng hậu quả xã hội của nó thật khôn lường vì căn bệnh vô cảm đã gặm nhấm hết cả trái tim lẫn đầu óc của họ? Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện “đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện và triệt để” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, vẫn còn đó những cơ sở giáo dục, những cá nhân cố tình lách luật để hành nghề chui như cơ sở Phương Anh đã ít nhiều làm hoen ố sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Thiết nghĩ, bất luận vì lý do gì, những cơ sở giáo dục hành nghề chui, những “người mẹ hiền” kiểu như Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý cần phải được pháp luật nghiêm trị và dứt khoát không cho hành nghề giáo dục dưới mọi hình thức. Có như thế mới mong môi trường giáo dục được cải thiện. Con trẻ không còn sợ thầy cô như sợ “cọp” và nhà trường không còn cảnh như “tù đầy” luôn ám ảnh các em mỗi khi nghĩ tới.
Thu Giang