5.000 hộ dân dùng nước nhiễm thạch tín: Vô cảm!

07-07-2014 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Câu hỏi ở đây là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để 5.000 hộ dân mất tiền mua nước mà vẫn ngày ngày bị đầu độc bởi nước bẩn.

Câu hỏi ở đây là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để 5.000 hộ dân mất tiền mua nước mà vẫn ngày ngày bị đầu độc bởi nước bẩn.

1. Cách đây 2 năm, một phụ nữ ở khu Mỹ Đình, mới sinh con gái được 9 tháng tuổi, đã ngất xỉu khi được biết nguồn nước hàng ngày chị dùng để pha sữa cho con có độ asen vượt 37 lần mức cho phép.

Thời điểm đó, người dân ở đây vô cùng bức xúc vì phải dùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Hàng trăm hộ dân ở khu nhà NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình đã đồng loạt treo băng rôn với nội dung: “Vô trách nhiệm với sức khỏe người dân”, “Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cấp nước nhiễm Asen”.

Theo các nhà khoa học, sử dụng nước nhiễm asen hay còn gọi là thạch tín là một chất độc có thể gây ra các bệnh ngoài da như biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hoá, ung thư da... Về lâu dài, cũng có thể gây hại nhiều hệ cơ quan thần kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai...

Trước đó, vào năm 2011, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã có thông báo báo động về hàm lượng asen trong nước hiện cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép ở Hà Nội.

Dân Mỹ Đình bức xúc treo băng rôn tố cáo nhà cung cấp năm 2012. (ảnh: Kim Anh)

2. Ở nước ngoài, bạn có thể trực tiếp uống nước từ vòi mà không cần đun. Còn ở Việt Nam, không kể chuyện đường ống dẫn nước đoạt giải này giải nọ nhưng vỡ lên vỡ xuống thì đa số các nhà máy xử lý nước vẫn dùng công nghệ từ 100 năm nay nên hàm lượng độc tố ở nhiều nơi vẫn vượt mức tiêu chuẩn nhiều lần. Và người dân thì cứ yên tâm trả tiền hàng tháng để mua nước sinh hoạt có thạch tín, thuỷ ngân… với mức độc chất vượt ngưỡng cho phép mà không biết.

Asen vốn trong, không mùi, không vị nên khả năng tự nhận biết là rất hạn chế. Asen ngấm vào cơ thể qua đường uống một cách từ từ, không rầm rộ để người bệnh thấy khác thường mà đi khám ngay.

Có một nghịch lý là những người ở vai trò quản lý thì khẳng khăng nói chất lượng nước tốt, nhưng chính họ vẫn phải dùng thêm máy lọc nước cho gia đình mình. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia về vấn đề này thì thẳng thắn khuyến cáo người dân tự bỏ tiền ra mua thêm máy lọc nước như chính các chuyên gia này đang làm. Tóm lại là phải tự cứu lấy mình. Chuyện thật như đùa vậy cứ diễn ra hết năm này qua năm khác.

3. Cho đến mới đây câu chuyện có vẻ sẽ được giải quyết khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra, khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt tại các khu chung cư.

Sau khi kiểm nghiệm các mẫu nước ở các nhà máy và trạm cấp nước, Bộ Y tế đã đề nghị TP Hà Nội dừng hoạt động Trạm cấp nước Mỹ Đình 2. Trạm này có công suất 800m3/ngày đêm cung cấp nước cho 5.000 gia đình, có nồng độ Asen gấp 4 lần cho phép.

Câu hỏi ở đây là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để 5.000 hộ dân ngày ngày bị đầu độc bởi nước bẩn khiến sức khoẻ của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đã bỏ tiền ra để mua nước không đảm bảo chất lượng yêu cầu.

Điều đáng lên án ở đây là sự vô cảm bởi vấn đề nước sinh hoạt nhiễm asen đã được cảnh báo từ nhiều năm qua.

Một ngày sau khi Bộ Y tế có yêu cầu dừng hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2, phóng viên VOV đã đến khu vực này tìm hiểu và đa số người dân nơi đây không biết thông tin này cũng như không biết nguồn nước mình đang dùng bị nhiễm thạch tín vượt mức cho phép nhiều lần.

4. Đòi hỏi được dùng nước sạch là quyền chính đáng của khách hàng. Giá nước sinh hoạt đã tăng nhiều lần nhưng chất lượng nước chưa có thay đổi đáng kể. Trong khi người dân không có sự lựa chọn nhà cung cấp nước sạch bởi sự độc quyền, thì có lẽ nhà cung cấp nước cần sòng phẳng công bố chỉ tiêu chất lượng nước-sản phẩm mà mình cung cấp như cảnh báo trên bao thuốc rằng hút thuốc gây ung thư phổi, chứ không nên vô cảm lẳng lặng đầu độc nhau như vậy. Ngoài ra, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tự lấy mẫu nước sinh hoạt nơi mình ở đi làm xét nghiệm độc lập.

Sau lần “vi hành” và chỉ đạo quyết liệt dập dịch sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thêm một lần nữa ghi điểm trong lòng dân khi chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và có giải pháp tổng thể để cung cấp nước sạch ổn định, an toàn vệ sinh, bảo đảm sức khỏe của người dân.

Đừng để có thêm bất cứ người mẹ trẻ nào ngất xỉu vì quá sốc khi biết những đứa con bé bỏng của mình ngày ngày phải uống sữa pha thạch tín./.

 

 


Ý kiến của bạn