Hà Nội

Ăn chặn - Một tội ác từ vô cảm

21-01-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Giờ đây, người ta bòn rút của dân bằng nhiều hình thức với đủ mọi thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn như ăn chặn, ăn bớt, ăn xén, ăn hiếp, ăn cướp...

LTS: “Một xã hội vô cảm sẽ là một xã hội chết - cái chết trước hết từ tâm hồn”- Nhận định đó quả thật không sai trước sự vô cảm đang hiện hữu và ngày càng lan rộng trong đời sống xã hội như một thứ dịch bệnh. Đừng nghĩ thứ “virut vô cảm” ấy không ảnh hưởng đến bản thân bạn, gia đình bạn. Người bị tai nạn giao thông nằm lại trên đường không được đưa đến bệnh viện kịp thời, người bị cướp giật đơn độc chống lại kẻ bất lương trong khi bao người khác đứng nhìn, những đồng tiền cứu trợ bị cắt xén đút túi kẻ có quyền vô lương... Vô cảm nhiều khi chính là tội ác! Hãy cùng chúng tôi, mỗi người góp một tiếng nói, ngõ hầu đẩy lùi căn bệnh này trước khi nó trở thành đại dịch nhấn chìm chúng ta! Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống: “Diễn đàn: Tuyên chiến với vô cảm”, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com.

Giờ đây, người ta bòn rút của dân bằng nhiều hình thức với đủ mọi thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn như ăn chặn, ăn bớt, ăn xén, ăn hiếp, ăn cướp... Những kiểu ăn này được gọi là tham nhũng vặt. Người ta xà xẻo cơm của công nhân. Thời bão giá, cơm công nhân đã đạm bạc chỉ với 15.000đ/suất, nhưng qua bao nhiêu khoản ăn chia hoa hồng, họ chỉ còn được hưởng 5.000 - 10.000đ. Một trong những chiêu thức ăn bớt là mua thực phẩm rẻ mạt, ôi thiu nên những vụ hàng trăm công nhân bị ngộ độc ở các nhà máy, khu công nghiệp thường xuyên xảy ra. Ở Vifon, người ta đã ăn chặn 4 tỷ đồng tiền thưởng Tết của công nhân. Rồi ăn chặn tiền ngân sách như vụ 89 cán bộ, đảng viên, công chức huyện nghèo miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) tham nhũng tiền chế độ chính sách hàng tháng của thương bệnh binh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Người ta ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai, tiền ủng hộ Trường Sa, tiền hỗ trợ ngư dân. "Búp trên cành" họ cũng không tha. Các cháu mầm non, tiểu học bị bớt xén khẩu phần. Đáng phẫn nộ và đau xót nhất là trẻ khuyết tật cũng bị ăn chặn không thương tiếc. Đó là vụ ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Cứu trợ tỉnh Hà Giang cùng kế toán và thủ quỹ đã ăn bớt số tiền hỗ trợ (đi lại, ăn uống) cho trẻ khuyết tật trong quá trình khám sàng lọc tại các huyện trong tỉnh từ vài chục nghìn đến 100.000đ/trẻ. Họ còn nâng khống giá trị các trang thiết bị y tế để ăn tiền chênh lệch. Tổng số tiền họ chiếm đoạt là 181.950.000đ. Khi Đảng và Chính phủ đang bằng mọi cách để hỗ trợ cho nhân dân một số tỉnh bị hậu quả nặng nề của các cơn bão số 11, 14, 15 để họ có Tết thì một số kẻ đã tìm cách ăn chặn tiền và quà của họ...

 	Ăn chặn, bớt xén bữa ăn của người lao động là một hành vi thiếu đạo đức, vô cảm. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Ăn chặn, bớt xén bữa ăn của người lao động là một hành vi thiếu đạo đức, vô cảm. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Những hành vi ăn bẩn ấy chính là tham nhũng vặt như báo chí đã gọi. Trước việc các trẻ mầm non bị bớt khẩu phần ăn, có người đã thốt lên cay đắng: "Ăn chặn cả của con trẻ, thật khốn nạn quá!". Cha ông ta từng nhắc nhở "miếng ăn miếng nhục", vậy mà họ đang tâm bớt xén từ bữa ăn còm, đồng tiền mọn của trẻ khuyết tật thì còn trên cả khốn nạn, trên cả tội ác (!). Đó là những kẻ vô liêm sỉ! Tham nhũng vặt cũng nguy hiểm mà xã hội không thể coi thường, bởi những hậu quả nó gây ra cũng nghiêm trọng không kém những vụ tham nhũng lớn. Nguy hại lớn nhất là làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, mất lòng tin vào cán bộ, đảng viên và những người thi hành công vụ. Nó là biểu hiện sự coi thường và thách thức luật pháp của kẻ ăn chặn. Nó còn làm nghèo đất nước. Dù việc ăn chặn trong ngành giáo dục chỉ là "con sâu" nhưng vẫn “làm rầu nồi canh". Kẻ tham nhũng đã làm uy tín và danh dự của nhà giáo bị giảm sút và tạo nên sự giáo dục ngược đối với học trò.

Bòn rút dân bằng mọi cách, kể cả những thủ đoạn đê tiện chứng tỏ một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo địa phương các cấp đã tha hóa đạo đức. Bên cạnh đó còn thể hiện sự buông lỏng hay yếu kém trong quản lý kinh tế của các cấp có thẩm quyền. Và pháp luật không nghiêm minh, nhiều vụ án chỉ xử theo kiểu "phủi bụi" nên sức răn đe, ngăn ngừa không cao. Ví như vụ ăn chặn ở Trung tâm Cứu trợ tỉnh Hà Giang, ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh có công văn đề nghị không khởi tố hình sự với các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ nêu trên với lý do: "Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ nữa". Ông còn khẳng định: "Người có tội thì rõ rồi. Nhưng vì... đại cục, vì cái to lớn hơn nên... không khởi tố hình sự". Ông còn tỏ thái độ “nghiêm khắc” với người tố cáo (!?). Thái độ của ông Thái thật khó hiểu và sai lầm. Chỉ có xử lý nghiêm mới lấy lại lòng tin của người dân địa phương cũng như cả nước và chắc chắn các tổ chức, cá nhân sẽ càng hỗ trợ tích cực cho các cháu, những trẻ em thiệt thòi, cần được chăm sóc nhiều. Và lạ nữa là người sai phạm, ông Thái lại xin xử nhẹ, người tố cáo sai phạm lại bị ông đe "sẽ xử lý nghiêm" (!?). Nếu như vậy, ông đã tiếp tay cho tham nhũng. Hành động của ông cũng là vô cảm. Hỏi còn ai dám chống tiêu cực?

Có thể nói, ăn chặn, một tội ác của căn bệnh vô cảm đang có chiều hướng gia tăng ở các ngành, các cấp và các lĩnh vực. Để ngăn chặn tội ác này, trước hết phải tăng cường khâu quản lý cùng sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý các cấp. Đó là biện pháp không thể xem nhẹ! Giáo dục để ngăn chặn mới là quan trọng, để mất trộm rồi mới rào bờ thì chỉ là cực chẳng đã. Vì vậy, các cơ quan cần thường xuyên giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên với những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể theo đặc thù của ngành mình. Và trên hết, mỗi người hãy có liêm sỉ, hãy giữ lấy chữ liêm như Bác Hồ dạy, coi đó là kim chỉ nam cho mỗi hành động của mình. Chỉ ai giữ được liêm sỉ mới chí công vô tư, mới không tối mắt khi nhìn thấy tiền của!

Trịnh Thị Thuận

 


Ý kiến của bạn