Hà Nội

Vô cảm có phải bệnh nhà giàu?

16-01-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Người ở tầng lớp nào mắc bệnh vô cảm nhiều hơn? Ngay lập tức có người trả lời: “Bọn nhà giàu. Chúng rất vô cảm (chúng hưởng sung sướng một mình cùng với gia đình, chẳng bao giờ động lòng trước các thân phận nghèo khổ, chẳng bao giờ móc mở hầu bao cho ai)

Người ở tầng lớp nào mắc bệnh vô cảm nhiều hơn? Ngay lập tức có người trả lời: “Bọn nhà giàu. Chúng rất vô cảm (chúng hưởng sung sướng một mình cùng với gia đình, chẳng bao giờ động lòng trước các thân phận nghèo khổ, chẳng bao giờ móc mở hầu bao cho ai), chúng vô cảm trước đói rét của người khác nên chúng mới giàu. Cũng không thiếu người giàu tự nhủ: “Thương người thì thường khó đến thân”. Thậm chí, nhà văn lớn của Pháp, Honorde De Banzac còn bảo, đằng sau một tài sản lớn thường là một tội ác.

 	Nhiều người đã bỏ công và của để làm từ thiện, mang niềm vui đến cho người nghèo.

Nhiều người đã bỏ công và của để làm từ thiện, mang niềm vui đến cho người nghèo.

Đúng, nếu trong một xã hội thiếu công bằng, cơ hội làm giàu, thoát nghèo không chia đều cho mọi số phận thì đằng sau mỗi tài sản lớn đều ít nhiều dính đến tội ác, chí ít là mắc tội vô cảm kinh niên.

Song, ở các xã hội văn minh, xã hội mà nền kinh tế trí thức ngự trị cùng với sự đảm bảo về quyền tác giả (bảo hộ sáng chế, sáng tạo trí tuệ...), những tên tuổi như: Biill Gate, Steve Job, Mark Zuckerberg (những nhà công nghệ thông tin), là những người làm ra tiền tỷ trong tích tắc, hay những minh tinh màn bạc như “ông bà Smith”, đều là những chủ sở hữu lượng tài sản khổng lồ. Chẳng có một tội ác nào được phát giác từ họ, chỉ có những tin tốt đẹp bởi các quỹ từ thiện họ lập ra để chia sẻ một phần tài sản họ có, không vì nghĩa vụ bắt buộc mà do thôi thúc của lương tri. Người thì tài trợ cho quỹ nghiên cứu thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, người thì bảo đảm cuộc sống cho hàng vạn lao động, người thì nuôi thêm những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương dù màu da chúng khác nhau... Họ không chỉ là người giàu, mà những sáng tạo của họ đã làm cho thế giới giàu có hơn rất nhiều. Không ai có thể chối cãi. Nhiều người giống họ: cho cái cần câu, không cho con cá. Họ muốn thiên hạ, muốn người nghèo, người chưa giàu, người chưa biết làm giàu hãy học cách làm giàu bằng xúc cảm riêng, phong cách riêng...

Người nghèo có hiểu thế không? Người nghèo có hiểu người giàu không? Có hiểu vì sao họ giàu không? Hay chỉ đơn giản, cứ nghe thấy nói ai đó giàu là oán, là ghét? Là gán cho họ tội vô cảm.

Còn nhớ, hồi nước Mỹ rơi vào khủng hoảng cách đây mấy năm. Có một người giàu đã dựng lên một cái “chòi” nhỏ ở gần nhà thờ, nơi có nhiều người qua lại. Người đó không công khai tên tuổi với báo chí, với bất kỳ ai. Ông lặng lẽ ngồi trong chòi kín, chỉ hở ra một cái cửa nhỏ xíu phát tiền cho tất cả “ông đi qua bà đi lại” mỗi người 50USD. Không báo trước ngày phát cũng không báo khi nào dừng, để đảm bảo (phần nào) không có kẻ lạm dụng.

Không chỉ ở Mỹ, ở nhiều nơi, ngay cả ở Việt Nam, dù những người đó chưa phải là giàu, nhưng họ đã làm từ thiện giấu mặt như vậy. Bằng cách, tặng cho quỹ A, quỹ B, quỹ C... và góp vào đình, chùa, miếu, mạo nhằm ngày có đám làm phước cho người thiếu đói thực sự.

Người nghèo mấy ai hiểu được những người giàu đã lao động hết mình như thế nào? Còn nhớ hồi những năm 60, có câu thơ tả địa chủ như sau: “Chúa trai là chúa hay lo/Đêm nằm nghĩ việc ra cho mà làm”. Cô giáo phân tích rằng Chúa trai chính là tên địa chủ, ngồi mát ăn bát vàng, chỉ nghĩ mà không làm, bao nhiêu việc người nông dân làm hết.

Nền kinh tế trí thức cho thấy: “Một người hay lo bằng kho người hay làm”. Chúa trai ở đây là người khổ hơn nông dân, ngày đã nghĩ, đêm còn nghĩ, cắt đặt công việc ngày mai cho thợ như thế nào? Nếu để người nông dân (thợ) hôm nay trồng đay, mai nhổ trồng cỏ, ngày kia nhổ trồng mía, ngày kia nữa không biết trồng gì, thì giàu thế nào được. Còn người nông dân, nếu đã nghĩ được, có được cách nghĩ, bộ óc như ông chủ thì (cùng một cơ hội) cũng sẽ làm chủ.

Tôi chắc viết những câu trên hoàn toàn không võ đoán, vì tôi có gặp gỡ, quan sát một số trong những tên tuổi kể trên và tôi biết, họ làm rất nhiều, ăn vừa đủ, thậm chí còn ăn một cách có tiết chế để không béo phì. Họ có một “thời khóa biểu” rất nghiêm khắc về làm việc, hưởng thụ và kế hoạch cho tặng sao cho hữu ích nhất. Lên án thói vô cảm từ tầng lớp giàu có, địa vị cao, thiết nghĩ chúng ta cũng nên đặt một câu hỏi cho những người lười nhác, không trau dồi kỹ năng làm việc. Những người đó cũng vô cảm. Thậm chí còn chẳng biết mình có xúc cảm gì ngoài sự ghen tỵ. Nếu họ biết đến nỗi gian truân, ý chí rèn luyện và cả máu đã đổ của những minh tinh màn bạc trên trường quay thì họ sẽ thấy cái váy 3 tỷ trong đêm nhận giải Oscar của minh tinh đó thật xứng đáng. Y phục xứng kỳ đức, y phục cũng xứng kỳ công. Nếu cứ “soi” cái váy 3 tỷ trên mảnh vườn để hoang của một con nghiện, chỉ thích chích hút mà không biết làm việc thì đó cũng là bệnh vô cảm. Phải không nhỉ?

Hỏi để chúng ta cùng trả lời chứ chẳng dành cho một ai.

Nhà văn Trần Thị Trường

 


Ý kiến của bạn