U máu (Hemangioma) hay còn gọi là u mạch máu là sự tăng trưởng lành tính ở các tế bào nội mạc mạch máu phụ trên da hoặc trong tổ chức của cơ thể. khối u này có thể xuất hiện ở mọi nơi trên cơ thể. Một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, trong đó tỷ lệ u máu xuất hiện ở vùng đầu, mặt cổ chiếm đến 60% đồng thời bệnh có nguy cơ xảy ra ở bé trai cao hơn bé gái.
U máu là một khối u lành tính đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào nội mô mạch máu. U máu tiến triển qua 3 giai đoạn là tăng sinh, ổn định, thoái triển.
1. Nguyên nhân gây u máu
U máu thường gặp ở trẻ em, trong đó có 50% phát hiện lúc mới sinh, 40% phát hiện trong tháng đầu sau sinh và 30% thường gặp ở trẻ sinh non (dưới 1,8kg cân nặng).
Có nhiều nguyên nhân gây u máu như:
- Xuất phát từ trong phôi thai: do di tích của trung bì phôi thai
- Do nhiễm virus Human Papilloma gây ra tình trạng u nhú trên người và gây ra tình trạng mất kiểm soát điều hòa tăng sinh tế bào nội mạch của mạch máu
- Yếu tố nội tiết: Ở những trẻ có u máu nồng độ 17-Beta Estradiol cao
- Heparine do các dưỡng bào tiết ra gây kích thích tế bào sợi và tế bào nội mạch tăng ở các trẻ u máu.
2. Phân loại u máu
U máu thường chia làm hai loại: U tế bào nội mạc mạch máu và u dị dạng mạch máu
- U tế bào nội mạc mạch máu: Đây là loại u máu lành tính, xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra và có đặc tính phát triển nhanh chóng ở giai đoạn nhũ nhi. Đối với dạng u máu này, bé gái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bé trai từ 3-5 lần và có khoảng 25% trường hợp khối u sẽ thoái triển khi trẻ được 5-7 tuổi.
- U dị dạng mạch máu: Đây cũng là một khối u máu xuất hiện khi trẻ mới sinh nhưng phát triển chậm hơn. Khối này thường sẽ tồn tại và phát triển đến khi trưởng thành.
3. Triệu chứng u máu
U máu là vết bớt màu đỏ tươi xuất hiện ngay sau khi trẻ vừa sinh ra hoặc vài tuần đầu sau sinh. U máu có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở vùng mặt, ngực, lưng và da đầu… U máu có thể ở ngay trên bề mặt da, ở lớp sâu dưới da hoặc kết hợp cả 2 trường hợp trên.
Qua các triệu chứng lâm sàng, có thể chia u máu thành 7 loại:
- U phẳng (vết rượu vang): Loại u này phẳng, có màu đỏ hoặc tím. Trong trường hợp khối u thâm nhiễm vào cơ, nó sẽ gây biến dạng cơ;
- U thể hang: Khối u có màu đỏ, phát triển nhanh chóng, có kích thước lớn, nhô lên bề mặt da hoặc thâm nhiễm vào các cơ quan gần đó. Phần lớn, u thể hang sẽ sần sùi như chùm nho và dễ bị tổn thương, chảy máu, lở loét gây nhiễm trùng;
- U dưới da: Đây là khối u nằm dưới da nên bề mặt da vẫn bằng phẳng bình thường. Tuy nhiên, nó sẽ tạo một vùng hơi có màu tím dưới da với mật độ căng, bóp xẹp;
- U máu xương: Loại u máu này thường xuất hiện ở vùng xương hàm với biểu hiện chảy máu chân răng, khiến răng lung lay. Hơn nữa, khối u có thể phá hủy xương hàm và gây chảy máu nhiều, khó cầm máu khi khổ răng ở khu vực này.
- U máu thể động mạch: Khối u phát triển chậm và lớn dần khi trẻ ở tuổi trưởng thành, có cảm giác nóng khi sờ vào. Bên cạnh đó, khi sờ mạch đập của trẻ có thể có cảm giác "rung miu"(diễn ra khi dòng máu đi qua các buồng tim hoặc các mạch máu lớn xoáy mạnh, tạo ra những xung động ở các cấu trúc tim mạch);
- U bạch mạch: U máu bạch mạch cũng phát triển chậm, có mật độ mềm, căng và nhiều túi dịch có màu vàng chanh. Khối u này có thể gây biến dạng khu vực mà nó xuất hiện như mặt, chân, tay,…
- U hỗn hợp: Loại u máu này thường là sự kết hợp giữa u thể hang và u bạch mạch. Khối u gồm một phần nhô lên trên bề mặt da và phần còn lại nằm ở dưới da, dần phát triển rộng ra các khu vực xung quanh, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
U máu cũng được chia theo 3 giai đoạn: tăng sinh, ổn định và thoái triển:
- Tăng sinh: Quá trình tăng sinh thường kéo dài khoảng 3 tháng, một vài trường hợp u máu nông có thể lên tới 6 tháng và 8-10 tháng với u máu sâu. Ở giai đoạn tăng sinh có khoảng 80% u máu sẽ tăng gấp đôi kích thích trong đó có khoảng 5% phát triển rầm rộ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Ổn định: Sau khi tăng sinh, u máu sẽ ổn định hơn về kích thước và các biểu hiện lâm sàng. Giai đoạn này sẽ kéo dài đến tháng thứ 18 hoặc tháng thứ 20.
- Thoái triển: Ở giai đoạn này màu sắc của u máu nhạt dần và xẹp dần nhưng ở mức độ chậm. Ở trẻ nhỏ có đến 70-80% trẻ sau 6 tuổi xảy ra tình trạng thoái triển u máu. U máu sâu thường thoái triển chậm hơn u máu nông.
3. U máu có lây không?
U máu không phải là bệnh lý truyền nhiễm do vậy không thể lây từ người này sang người khác.
4. Phòng ngừa u máu
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây u máu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng u máu là do sai sót trong quá trình phát triển hệ thống mạch máu lúc bào thai phát triển hoặc có liên quan tới bất thường trong di truyền. Do vậy hiện chưa có cách nào để phòng ngừa việc trẻ sinh ra có u máu.
5. Điều trị u máu
Các bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng kết hợp một số xét nghiệm nếu cần thiết để đánh giá mức độ tổn thương dựa trên kích thước, vị trí và mức độ của u máu để đưa ra phương án điều trị. Đa số các trường hợp u máu có kích thước nhỏ không cần điều trị có thể tự biến mất.
Điều trị bệnh u máu không phẫu thuật
Thông thường bệnh u máu ở trẻ em có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị, tuy nhiên khi phát hiện bị u máu người bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số phương pháp điều trị u máu không phẫu thuật bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: Đây là một loại thuốc có thể được khuyên dùng tùy thuộc vào loại và kích thước của u mạch máu. Đối với u máu vùng mặt và u máu ở trẻ sơ sinh, thuốc chẹn beta có thể được dùng bằng đường uống (dạng viên) với mục tiêu làm chậm sự phát triển của khối u.
- Thuốc chống viêm: Nếu bệnh u máu đang phát triển gần các cấu trúc quan trọng, chẳng hạn như mũi, môi hoặc mí mắt, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh dùng thuốc steroid. Steroid thường được sử dụng để làm chậm sự phát triển của khối u, có thể được tiêm trực tiếp vào u mạch máu hoặc uống.
- Thuyên tắc mạch: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, rất hữu ích trong việc thu nhỏ khối u và giảm đau. Thông thường khối u sẽ tái tạo nguồn cung cấp máu theo thời gian sau các thủ thuật này. Thuyên tắc mạch đôi khi cũng được áp dụng trước phẫu thuật để giảm nguy cơ mất máu nhiều.
- Điều trị bằng laser: Điều trị bằng laser thường được dành riêng cho u máu trên da. Đối với một số người bệnh, tia laser có thể hữu ích trong việc loại bỏ khối u hoặc giảm đau và các triệu chứng không mong muốn khác.
Điều trị bệnh u máu bằng phương pháp phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thường sẽ được áp dụng trong điều trị u máu thể hang (nếu như khối u đang có xu hướng phá hủy các mô khỏe mạnh xung quanh). Trong một số trường hợp, bệnh u máu dù lành tính vẫn có thể gây ra các triệu chứng đủ nghiêm trọng để cân nhắc đến việc điều trị bằng phẫu thuật.
Mục tiêu của việc điều trị u máu bằng phương pháp phẫu thuật chính là loại bỏ khối u khỏi cơ thể. Để thực hiện quá trình này, người bệnh sẽ được gây mê, bác sĩ giải phẫu sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ càng nhiều thành phần khối u càng tốt. Biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật cắt bỏ u máu là xuất huyết (mất máu). Ngoài ra, u máu có xu hướng tái phát cao sau phẫu thuật, tùy thuộc vào loại và vị trí của khối u.
Với những khối u máu bên trong cơ thể, các kỹ thuật, máy móc hiện đại như mổ nội soi, định vị… sẽ hỗ trợ phẫu thuật hiệu quả.