Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) vừa thông tin về ca phẫu thuật cắt bỏ khối u men xương hàm thể lớn và tạo hình phục hồi khuôn mặt cho bệnh nhân Vũ Thị H, SN 2000 (quận Kiến An, Hải Phòng).
Theo thông tin, bệnh nhân Vũ Thị H. được phát hiện bị u men xương hàm cách đây 2 năm. Bệnh nhân từng trải qua 2 lần phẫu thuật khối u men xương hàm trên tại một bệnh viện trên Hà Nội song tình trạng bệnh của H. vẫn không có biến chuyển tốt.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, khối u trong khoang miệng của H.có dấu hiệu tái phát và phát triển khá nhanh, gây biến dạng khuôn mặt, thậm chí việc sinh hoạt ăn, uống thường ngày của H cũng gặp khó khăn.
Trước diễn biến trên, gia đình đã đưa H. vào BV Hữu nghị Việt Tiệp để khám, điều trị.
Qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân Vũ Thị H. có hội chứng thiếu máu, khối lớn vùng khoang miệng hàm trên trái, xâm lấn phá hủy gây biến dạng khuôn mặt, ăn uống khó khăn khi há mở miệng.
Liên quan ca bệnh này, BS. Bùi Văn Quang, khoa Ngoại ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, BV Hữu nghị Việt Tiệp người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho hay: "Người bệnh vào viện trong tình trạng có khối u lớn vùng khoang miệng bên trái gây co kéo biến dạng giải phẫu lân cận, đè đổ xung quanh gây khó khăn khi ăn uống, làm biến dạng khuôn mặt và được chẩn đoán là u men xương hàm trên bên trái tái phát, tăng tiểu cầu. Bệnh nhận thể trạng gầy yếu mà khối u phát triển quá to, nguy hiểm nên sau khi đánh giá kỹ tình trạng bệnh và hội chẩn, bệnh viện quyết định tiến hành phẫu thuật cắt rộng vùng tổn thương chuyển vạt che phủ cho bệnh nhân".
Sau 6 tiếng tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối xương hàm trên, khâu tạo hình phục hồi nửa mặt trái cho bệnh nhân, ca mổ đã thành công. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, dấu hiệu phục hồi tốt, khuôn mặt còn phù nề.
U men xương hàm là một loại u có nguồn gốc từ liên bào tạo ra men. Vốn là u lành tính nhưng lại âm thầm phát triển nhanh chóng và có thể phá hủy cấu trúc men xương và chuyển thành u ác tính rất nguy hiểm.
U men răng tạo ra bởi các tế bào hình thành từ lớp men lót bảo vệ trên răng. Chúng biệt hóa theo kiểu dị thường, không tạo men răng mà tạo thành u men. Bệnh này được các bác sĩ nghiên cứu và chỉ ra có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn ở tuổi trên 40 và ở nam giới bị nhiều hơn nữ giới.
U men hàm trên khó điều trị hơn so với u men ở hàm dưới vì liên quan đến cấu trúc giải phẫu quan trọng xung quanh và khả năng ung thư xương hàm trên khá cao. Như thế, u men hàm trên trong xương thường được cắt với lề bình thường rộng hơn u hàm dưới.
U men có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, thậm chí sau 10 năm. Do đó, cần phải tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng sau điều trị u men
Mời quý vị xem thêm video khác dưới đây:
Tâm sự của nguời hiến thận cứu sống em trai ở Hải Phòng