Hà Nội

Người bệnh tim mạch cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc chẹn beta?

23-02-2023 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc chẹn beta thường được kê đơn phổ biến để điều trị các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, nhịp tim không đều và suy tim. 

1. Thuốc chẹn beta là gì?

Thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách ngăn chặn sự truyền dẫn của một số dây thần kinh, từ đó ngăn chặn việc giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và noradrenaline làm cho nhịp tim chậm lại và làm giảm lực tim bơm máu đi khắp cơ thể. Thuốc chẹn beta cũng ngăn chặn việc giải phóng một loại hormone khác gọi là angiotensin II từ thận, khiến huyết áp giảm.

Có nhiều loại thuốc chẹn beta khác nhau và hàm lượng cũng khác nhau. Một số thuốc chẹn beta thường được kê đơn bao gồm: Metoprosol, bisoprolol, propranolol, narodol, timolol, carvediol, lebatol...

Những điều nên tránh khi sử dụng thuốc chẹn beta trị bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Thuốc chẹn beta được kê đơn phổ biến để điều trị huyết áp cao.

2. Các chỉ định của thuốc chẹn beta

  • Điều trị đau thắt ngực: Bằng cách làm chậm nhịp tim, thuốc chẹn beta làm giảm nhu cầu oxy của tim và giảm tần suất các cơn đau thắt ngực. Các hướng dẫn khuyến nghị dùng thuốc chẹn beta như là phương pháp điều trị đầu tiên ở những bệnh nhân bị đau thắt ngực hoặc dùng kết hợp với thuốc chẹn kênh canxi.
  • Điều trị suy tim: Các hướng dẫn khuyến cáo bệnh nhân bị suy thất trái nên dùng thuốc chẹn beta như một phần của kế hoạch điều trị.
  • Điều trị một số rối loạn nhịp tim: Thuốc chẹn beta được sử dụng để kiểm soát nhịp tim không đều ở những người bị rung tâm nhĩ. Bằng cách làm chậm nhịp tim, các triệu chứng do rung tâm nhĩ gây ra, đặc biệt là đánh trống ngực và mệt mỏi... thường được cải thiện.
  • Bảo vệ chống lại các cơn đau tim tái phát: Ở những người từng bị đau tim, thuốc chẹn beta giúp giảm nguy cơ mắc các cơn đau tim tái phát. 
  • Kiểm soát huyết áp: Thuốc chẹn beta thường được sử dụng để giúp hạ huyết áp, thường là một phần của kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc ức chế men chuyển (ví dụ: Ramipril) và/hoặc thuốc chẹn kênh canxi (ví dụ: Amlodipine).

3. Các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta thường được dung nạp tốt mà không có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên thuốc cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ không mong muốn. Khi dùng thuốc nếu xuất hiện phản ứng phụ, cần thông báo với bác sĩ điều trị. 

Không nên ngừng dùng thuốc chẹn beta đột ngột mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Vì việc dừng thuốc đột ngột có thể gây ra các vấn đề như đánh trống ngực, tái phát cơn đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm:

  • Mệt mỏi: Thuốc làm giảm nhịp tim nên có thể gây mệt mỏi.
  • Trầm cảm: Cảm giác chán nản, thờ ơ (thiếu hứng thú) đối với các hoạt động bình thường hàng ngày có thể xảy ra do huyết áp thấp và mệt mỏi.
  • Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu: Với nhịp tim chậm hơn và huyết áp thấp hơn, não có thể nhận được ít oxy hơn, dẫn đến chóng mặt
  • Rối loạn cương dương: Đối với bệnh nhân nam, huyết áp thấp cộng với nhịp tim chậm làm không có đủ máu trong quá trình kích thích tình dục để đạt được và duy trì sự cương cứng hoàn toàn.

4. Những trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc chẹn beta

  • Mang thai và cho con bú: Nên thận trọng khi dùng thuốc chẹn beta trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Thuốc đi qua nhau thai và có thể gây ra những thay đổi sinh lý ở thai nhi.
  • Dị ứng: Thuốc chẹn beta có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng. 
  • Các vấn đề về hô hấp: Thuốc chẹn beta chống chỉ định ở bệnh nhân hen suyễn vì gây co thắt phế quản nghiêm trọng và tăng sức cản đường thở.
  • Bệnh đái tháo đường: Thuốc có khả năng làm tăng nồng độ đường huyết và có thể đối kháng với tác dụng của thuốc hạ đường huyết đường uống.
  • Sốc tim: Chống chỉ định dùng thuốc chẹn beta trong nhồi máu cơ tim cấp khi có dấu hiệu sốc tim.
  • Suy tim: Nên tránh điều trị bằng thuốc chẹn beta cho bệnh nhân suy tim có nhịp tim chậm hoặc huyết động không ổn định.
  • Suy gan: Sử dụng thuốc chẹn beta ở bệnh nhân suy gan cấp làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
  • Bệnh thận: Nên thận trọng khi điều trị lâu dài bằng thuốc chẹn beta ở bệnh nhân mắc bệnh thận.
  • Trẻ em: Không nên dùng thuốc chẹn beta cho trẻ em dưới 12 tuổi.

5. Những điều cần tránh khi dùng thuốc chẹn beta

Rượu bia: Không nên uống rượu khi đang dùng thuốc chẹn beta. Rượu có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của thuốc chẹn beta như chóng mặt và huyết áp thấp, làm tăng nguy cơ té ngã.

CaffeinCaffeine là một chất kích thích có thể làm tim đập nhanh hơn và tăng huyết áp. Uống caffeine với lượng vừa phải có thể an toàn khi dùng thuốc chẹn beta. Nhưng nếu bị suy tim, tim đập nhanh, huyết áp cao hoặc các tình trạng sức khỏe khác, nên thận trọng với lượng caffeine tiêu thụ.

Đồ uống chứa caffein bao gồm một số loại soda, cà phê, nước tăng lực và trà chứa caffein (trà xanh và đen). Một số chất bổ sung cũng có thể chứa caffein, vì vậy kiểm tra cần thận thành phần.

Ngoài việc hạn chế tiêu thụ caffein, khi dùng thuốc chẹn beta, cũng nên tránh:

  • Thuốc ho và cảm lạnh có chứa pseudoephedrine hoặc phenylephrine giúp thông mũi có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim.
  • Thuốc kháng axit có chứa nhôm hydroxyd có thể cản trở sự hấp thụ của thuốc chẹn beta, vì vậy không nên dùng các loại thuốc này cùng nhau.
  • Nicotine làm giảm tác dụng của thuốc chẹn beta đối với huyết áp và nhịp tim. Vì vậy cần tránh hút thuốc trong khi dùng thuốc chẹn beta.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải


DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn