Thường xuyên ăn quả bầu cần chú ý lợi ích và hạn chế gì?

01-06-2024 06:15 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Quả bầu có thể chế biến thành nhiều món ăn thanh mát trong mùa hè. Thường xuyên ăn bầu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cần lưu ý về một số tác dụng phụ của quả bầu.

1. Giá trị dinh dưỡng của quả bầu

Theo BS. Phó Thuần Hương, quả bầu là loại rau ăn có giá trị dinh dưỡng cao, mát, ngọt, thông dụng trong mùa hè, đặc biệt nó còn giúp phòng chữa các bệnh khi thời tiết nóng bức, ẩm thấp như mụn nhọt ngoài da, ho sốt, đái đỏ, táo bón.

Quả bầu giàu chất dinh dưỡng nhất định và các hợp chất thực vật có lợi. Quả bầu chứa 96% nước, rất ít calo, chất béo, protein, carbs. Tuy nhiên, nó vẫn giàu chất xơ và cung cấp một lượng nhỏ chất dinh dưỡng khác nhau.

Thường xuyên ăn quả bầu cần chú ý lợi ích và hạn chế gì?- Ảnh 1.

Quả bầu có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Trong 100g quả bầu có:

  • Lượng calo: 13
  • Chất đạm: dưới 1g
  • Carb: 3g
  • Chất xơ: 3g
  • Chất béo: dưới 1g
  • Vitamin C: 14% giá trị hàng ngày (DV)
  • Riboflavin: 8% DV
  • Kẽm: 6% DV

Giàu vitamin: Quả bầu là nguồn cung cấp vitamin dồi dào, đặc biệt là vitamin C và vitamin B phức hợp. Vitamin C là chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng miễn dịch, thúc đẩy làn da khỏe mạnh.

Ngoài ra, bầu còn là nguồn cung cấp flavonoid và carotenes, hai chất chống oxy hóa được cho là giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và một số tình trạng như đái tháo đường type 2, bệnh tim.

Các vitamin B trong quả bầu đóng nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể, bao gồm sản xuất năng lượng và sức khỏe hệ thần kinh.

Hàm lượng khoáng chất: Quả bầu còn chứa các khoáng chất như sắt, magie, phốt pho, đồng, mangan, kali, canxi. Trong đó, kali rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch, duy trì mức huyết áp khỏe mạnh. Magie đóng vai trò quan trọng trong chức năng cơ và thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu cũng như sức khỏe của xương.

2. 8 lợi ích sức khỏe từ quả bầu

Khi nhiệt độ tăng, cơ thể cần thực phẩm để có thể làm mát và giữ đủ nước. Quả bầu là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho chế độ ăn uống giúp khỏe mạnh từ trong ra ngoài.

Thường xuyên ăn quả bầu cần chú ý lợi ích và hạn chế gì?- Ảnh 3.

Bên cạnh những lợi ích sức khỏe, quả bầu cũng có các tác dụng phụ khi ăn.

Giúp tiêu hóa tốt: Hàm lượng chất xơ cao trong quả bầu rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Chất xơ trong quả bầu giúp điều hòa nhu động ruột hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Nó làm tăng thêm khối lượng phân, giúp đi qua dễ dàng hơn và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột. Nó giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, cần thiết cho sức khỏe tổng thể và chức năng miễn dịch.

Sức khỏe tim mạch: Quả bầu có ít cholesterol và chất béo bão hòa nên thân thiện với tim. Điều này làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hàm lượng kali trong quả bầu giúp điều hòa huyết áp và chức năng tim.

Kiểm soát cân nặng: Quả bầu cực kỳ ít calo, chỉ khoảng 13 calo trên 100g, do đó là một lựa chọn tuyệt vời cho những người muốn quản lý cân nặng hoặc lượng calo. Ít calo và nhiều chất xơ, quả bầu là một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn kiêng giảm cân. Lượng chất xơ trong quả bầu làm tăng cảm giác no, có thể giúp kiểm soát ăn uống. Chất xơ còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, có lợi cho việc kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.

Tác dụng giải nhiệt: Quả bầu được coi là loại rau có tác dụng giải nhiệt, giúp giảm nhiệt cơ thể, có lợi trong mùa hè. Nên ăn quả bầu hoặc uống nước ép để giải nhiệt mùa hè giúp cơ thể mát mẻ.

Tăng cường khả năng miễn dịch: Hàm lượng vitamin C cao của quả bầu rất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Vitamin C làm tăng sự phát triển của các tế bào bạch cầu, rất cần thiết để chống nhiễm trùng. Thêm quả bầu vào danh sách thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn uống góp phần giúp hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, ngăn ngừa bệnh tật.

Giải độc: Quả bầu chứa một lượng nước đáng kể, rất cần thiết để thải độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nó rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như vitamin C và các chất dinh dưỡng thực vật khác, giúp trung hòa các gốc tự do có hại và hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể.

Làm đẹp da: Các vitamin và khoáng chất trong quả bầu, bao gồm vitamin C, kẽm, selen, đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh. Vitamin C thúc đẩy hình thành collagen, giúp da săn chắc, trẻ trung. Kẽm giúp điều tiết sản xuất dầu và giảm viêm, trong khi selen bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím.

Ngủ ngon: Hàm lượng nước cao của quả bầu có thể giúp giữ nước, điều này rất cần thiết để thúc đẩy giấc ngủ ngon. Mất nước có thể dẫn đến mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, quả bầu còn là nguồn cung cấp magie dồi dào, một loại khoáng chất đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy sự thư giãn và giấc ngủ chất lượng.

3. Một số tác dụng phụ của quả bầu

Mặc dù ăn quả bầu là an toàn cho hầu hết mọi người nhưng cần lưu ý các tác dụng phụ dưới đây:

Gây khó chịu cho dạ dày: Quả bầu có thể chứa cucurbitacin, hợp chất có thể gây khó chịu cho dạ dày, đặc biệt nếu quả bầu nào có vị đắng.

Phản ứng dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với quả bầu như sưng, phát ban hoặc ngứa. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau khi ăn quả bầu, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đường huyết: Mặc dù quả bầu có chỉ số đường huyết thấp và thường an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra sự thay đổi lượng đường trong máu. Bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khi ăn quả bầu thường xuyên.

Tương tác thuốc: Quả bầu có thể tương tác với một số loại thuốc. Nếu đang dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định thường xuyên ăn quả bầu.

Quả bầu - lợi tiểu giải độcQuả bầu - lợi tiểu giải độc

SKĐS - Thịt quả bầu vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, được dùng trị chứng đái rắt, phù nề, đái tháo, mụn lở...

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 cách dùng sắn dây giúp thanh mát cơ thể trong mùa hè.


Mỹ Uyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn