1. Cháo bạc hà làm giảm viêm họng
Cháo bạc hà lần đầu được nhắc đến trong cuốn "Y dư lục", dùng để điều trị viêm họng, ngứa ngáy, nổi mẩn vào mùa hè; dùng trong trường hợp cảm nhẹ, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức, chán ăn… Ngoài ra món ăn thực dưỡng này còn có công dụng phòng tránh mắc bệnh viêm họng mùa hè.
- Nguyên liệu: 100g gạo tẻ, 20g lá bạc hà tươi, một chút muối.
- Cách làm: Bỏ gạo vào nấu đến khi chín thì tắt bếp. Cắt nhỏ hoặc cho nguyên lá bạc hà vào, trộn đều rồi ăn.
Theo Y học cổ truyền, bạc hà có vị cay, mùi rất thơm, tính mát; dùng để tán phong nhiệt, trị các chứng cảm nóng, ho, đau đầu, viêm họng, ngứa, lở loét ngoài da.
Gạo tẻ có vị ngọt, tính bình, dùng để bồi bổ cho người suy nhược.
2. Cháo đậu đen
Là món ăn quen thuộc của người Hà Nội, cháo đậu đen có những công dụng rất tốt cho người viêm họng.
Sử dụng đậu đen trong trường hợp người thường xuyên tái phát viêm họng, kèm theo có các triệu chứng như hay nóng trong người, ngủ kém, đại tiện khô táo khó đi, nhức mỏi xương khớp.
- Nguyên liệu: 100g gạo tẻ, 50g gạo nếp, 100g đậu đen, đường phèn theo khẩu vị.
- Cách làm: Đậu đen đem rửa sạch, ngâm trong nước 6-8 giờ cho mềm. Nấu đậu đen trong khoảng 500ml nước trong 10-15 phút cho đậu mềm. Sau đó cho cả gạo nếp và gạo tẻ vào trộn để nấu cùng thêm 10 phút, cạn bớt nước thì cho thêm 500ml nước vào để đun tiếp đến khi độ đặc vừa đủ. Cho đường vừa miệng.
Lưu ý: Đậu đen có vị ngọt, tính hơi lạnh, được sử dụng để bổ can thận, thanh nhiệt giải độc. Do sức thanh nhiệt của đậu đen khá tốt nên có thể làm lạnh bụng, tiêu hóa kém. Do đó, không sử dụng cháo đậu đen trong trường hợp tiêu hóa kém, dẫn tới chướng bụng, đại tiện lỏng nát, người mệt mỏi thiếu sức, hụt hơi, hơi thở ngắn…
3. Cháo trứng gà
Dùng cháo trứng gà trong trường hợp người viêm họng mạn, dễ tái phát viêm họng, thể trạng gày gò, suy nhược, tinh thần bạc nhược, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Nguyên liệu: 100g gạo tẻ, 1-2 quả trứng gà, gia vị vừa đủ.
- Cách làm: Bỏ gạo vào nấu tới khi chín thì tắt bếp. Trứng gà bỏ lòng trắng, giữ lại lòng đỏ rồi cho vào cháo, khuấy đều và ăn. Nếu sợ tanh có thể dùng các gia vị có tính thơm như hạt tiêu, hành… để ăn cùng.
Theo Y học cổ truyền, lòng đỏ trứng gà còn gọi là kê tử hoàng, có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng thận nhuận phế, là vị thuốc bổ rẻ tiền và tương đối hiệu quả.
Lưu ý: Chỉ nên sử dụng đối với người thể trạng gày gò. Không nên sử dụng với người béo, rối loạn mỡ máu do trong lòng đỏ trứng gà có nhiều cholesterol, không có lợi cho người rối loạn mỡ máu.
4. Lê hấp đường phèn
Với những nguyên liệu dễ tìm, lê hấp đường phèn có thể sử dụng thông dụng cho các trường hợp ho đờm kèm đau họng.
- Nguyên liệu: Quả lê 01 quả, táo đỏ 1-2 quả, 2-3 lát gừng, đường phèn.
- Cách làm: Cắt một bên đầu của quả lê rồi khoét ruột lê, phần ruột bỏ hạt rồi thái nhỏ. Táo lột hạt, thái nhỏ. Gừng đập dập băm nhỏ. Sau đó cho tất cả vào trong quả lê, thêm đường phèn vào rồi đậy nắp quả lê. Hấp cách thủy 20-30 phút. Ăn phần lõi trong quả lê vừa hấp.
Theo Y học cổ truyền, lê có tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, nhuận phế sinh tân, trừ đờm giảm ho.
5. Củ cải trắng hấp mật ong
Củ cải trắng là món ăn quen thuộc trong gia đình Việt Nam. Vừa là món ăn thanh mát, ngọt dịu; vừa là vị thuốc nam được sử dụng để giảm ho từ xưa đến nay.
Ưu tiên dùng củ cải trong trường hợp người bệnh có viêm họng kèm theo ho khạc có đờm. Trường hợp ho có đờm đem lại hiệu quả tích cực.
- Nguyên liệu: 250g củ cải trắng, mật ong.
- Cách làm: Thái mỏng củ cải trắng, cho cả củ cải trắng và mật ong vào một cái bát con. Đem hấp cách thủy khoảng 15-20 phút. Ăn cả củ cải và mật ong đã hấp cách thủy. Ăn như vậy 2-3 lần/ngày.
Lưu ý: Không sử dụng cho người khí lực yếu kém, hạn chế sử dụng với người già và trẻ sơ sinh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sau khi tập luyện, tránh xa các loại nước này.