Hà Nội

Thuốc trị viêm họng do dị ứng

03-10-2021 06:55 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Dị ứng là một nguyên nhân khá phổ biến gây viêm họng. Niêm mạc họng bị những tác nhân gây dị ứng kích thích trở nên tấy đỏ, ngứa hoặc có thể viêm nhiễm…

Thông tin tư vấn sức khỏe hữu ích từ Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh ‎- Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Thuốc trị viêm họng do dị ứng - Ảnh 1.

CHIA SẺ

1. Tác nhân gây viêm họng do dị ứng

Những tác nhân dị ứng thường gặp là phấn hoa, lông động vật, khói bụi, không khí ô nhiễm, thức ăn… Khi các yếu tố này xâm nhập, cơ thể tiết ra chất chống dị ứng có tên là histamin và kích hoạt các phản ứng dị ứng như hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi, phù nề niêm mạc hô hấp…

Những triệu chứng của viêm họng dị ứng gần tương tự với viêm họng thông thường do virus. Tuy nhiên viêm họng do virus sẽ tự khỏi sau 5 – 10 ngày, còn viêm họng do dị ứng thường kéo dài dai dẳng nhưng không có khả năng lây nhiễm.

photo-1633182982953

Viêm họng do dị ứng.

2. Điều trị viêm họng do dị ứng như thế nào?

- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng là điều cần thiết để giảm các triệu chứng viêm họng. Người bệnh cần xác định rõ các chất gây dị ứng là gì. Nên sử dụng khẩu trang khi bắt buộc phải tiếp xúc với yếu tố kích thích hoặc đóng các cửa sổ không cho các chất dị ứng ngoài không khí bay vào nhà.

- Nếu tình trạng dị ứng nhẹ, chỉ cần tránh tiếp xúc với yếu tố nguyên nhân, viêm họng do dị ứng sẽ giảm dần và hết.

- Nếu tình trạng dị ứng nặng lên, các triệu chứng kéo dài không dứt, người bệnh có thể cần dùng đến các phương pháp điều trị khác.

photo-1633182984132

Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Thuốc kháng histamin H1

Thuốc kháng histamin H1 là một lựa chọn đầu tiên cho các bệnh dị ứng. Cơ chế hoạt động của các thuốc kháng histamin H1 là ức chế cạnh tranh, không cho histamin gắn vào thụ thể H1, ngăn cản các phản ứng dị ứng do histamin gây ra như ngứa, hắt hơi, viêm họng.

Thuốc kháng histamin H1 có hai thế hệ:

- Kháng histamin H1 – Thế hệ 1: Gồm các thuốc như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin… Các thuốc này tác dụng trên các thụ thể histamin H1 cả trung ương và ngoại vi. Tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Tác dụng phụ thường gặp là buồn ngủ, chóng mặt, mất khả năng kết hợp vận động.

- Kháng histamin H1 – Thế hệ 2: Gồm các thuốc như loratadin, cetirizin, fexofenadin… chỉ tác dụng trên thụ thể histamin H1 ngoại vi, do đó không gây buồn ngủ. Thời gian tác dụng dài hơn.

Không dùng chung các thuốc kháng histamin H1 với rượu bia, các thuốc gây buồn ngủ khác như thuốc ngủ, thuốc gây mê giảm đau, thuốc an thần, giãn cơ, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc động kinh.
Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh - Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Các thuốc kháng histamin H1 giúp giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng chứ không khắc phục được nguyên nhân vấn đề là yếu tố gây dị ứng. Trong những trường hợp dị ứng nặng (như sốc phản vệ với các dấu hiệu như đau họng nghiêm trọng, nghẹt thở, khó thở, bứt rứt), người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Phụ nữ mang thai không được sử dụng cyclizine và các dẫn xuất vì có thể gây quái thai.

Thuốc chống nghẹt mũi

Trong viêm họng do dị ứng, nguyên nhân chính là sự tăng tiết dịch dịch xoang chảy xuống họng theo đường mũi sau, gây ngứa, rát, đau họng. Đồng thời với đó là tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi. Do đó thuốc chống nghẹt mũi cũng có thể được sử dụng để giảm tình trạng khó chịu của mũi.

Các thuốc này gây co mạch máu, giảm phù nề niêm mạc mũi, giúp thông thoáng đường thở. Ví dụ như các thuốc không cần kê đơn là oxymetazoline, phenylephrine hay thuốc phải có chỉ định của bác sĩ như pseudoephedrine.

Tuy nhiên các thuốc chống nghẹt mũi khuyến cáo chỉ nên dùng trong 1-2 ngày. Không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, phụ nữ có thai, bệnh nhân cường giáp hoặc có bệnh tim mạch.

Thuốc giảm đau, chống viêm

Nếu viêm họng gây đau, khó nuốt ảnh hưởng đến dinh dưỡng hàng ngày, bệnh nhân có thể tìm kiếm trợ giúp từ các thuốc giảm đau chống viêm như paracetamol, ibuprofen hoặc các thuốc corticoid theo chỉ định của bác sĩ.

3. Các biện pháp cải thiện viêm họng do dị ứng khác

Thuốc trị viêm họng do dị ứng - Ảnh 6.

Tiêm phòng ngừa dị ứng.

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng thì những biện pháp cải thiện viêm họng hữu ích khác người bệnh có thể dễ dàng thực hiện tại nhà như:

- Vệ sinh miệng họng: Súc miệng nước muối ấm hàng ngày.

- Uống đủ nước: Không uống nước lạnh hoặc nước quá nóng gây trầm trọng thêm tổn thương niêm mạc.

- Ăn các thức ăn mềm, nguội: Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí để giảm những yếu tố dị ứng trong không khí.

- Kê gối cao đầu khi ngủ để tránh dịch mũi chảy xuống đọng ở họng làm nặng thêm tình trạng viêm.

- Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây dị ứng. Ghi chép lại các tác nhân gây dị ứng và thông báo cho nhân viên y tế khi cần.

- Tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Trên đây là những thông tin cơ bản về các biện pháp điều trị viêm họng do dị ứng. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc có thêm kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân trong cuộc sống.

Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh ‎
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn