Khi bị viêm họng, nhiều người thường có xu hướng tự mua thuốc về sử dụng. Có thể dùng theo đơn thuốc cũ, dùng theo mách bảo hoặc kể triệu chứng khi đi mua thuốc... Tình trạng này sẽ dẫn đến hậu quả là dùng thuốc không đúng bệnh (như dùng kháng sinh chữa viêm họng do virus, dùng kháng sinh quá mạnh so với bệnh...), dẫn tới tốn kém tiền bạc, bệnh không khỏi, thậm chí gây biến chứng bệnh và nguy cơ gặp tác dụng phụ do thuốc gây ra...
Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng như: Vi khuẩn, virus, ô nhiễm không khí, do bệnh (trào ngược dạ dày thực quản...). Vì vậy, tùy từng nguyên nhân sẽ lựa chọn thuốc dùng phù hợp. Người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc, tránh tự ý sử dụng. Dưới đây là một số sai lầm cần tránh khi sử dụng thuốc chữa viêm họng.
1.Tự ý mua thuốc chữa viêm họng
Nhiều loại thuốc viêm họng đôi khi có thể được mua mà không cần đơn, nhưng việc tự mua thuốc chữa viêm họng không được khuyến khích vì có thể gây hại nhiều hơn lợi. Uống sai thuốc viêm họng cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng, làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa mọi loại thuốc đều có tác dụng phụ và do đó chỉ nên dùng khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Nguy cơ tác dụng phụ và mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào loại thuốc viêm họng, liều lượng và thời gian dùng thuốc. Đối với các loại thuốc có thể gây kích ứng dạ dày như ibuprofen, aspirin và thuốc long đờm, uống thuốc sau khi ăn có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
2. Lạm dụng kháng sinh
Khi bị đau họng nhiều người thường tự điều trị bằng việc tự mua thuốc kháng sinh dùng. Nếu chưa biết nguyên nhân gây viêm họng là do đâu thì việc dùng kháng sinh có thể làm bệnh dai dẳng, và nguy hiểm hơn có thể gây nên kháng thuốc ở một số chủng vi khuẩn. Đặc biệt, khi bị viêm họng mà không điều trị đúng và triệt để, lâu ngày bệnh sẽ biến chứng rất nguy hiểm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 10 trong số 100 người lớn gặp phải tác dụng phụ khi dùng hoặc sau khi dùng thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất bao gồm tiêu chảy và phát ban. Hơn nữa, sử dụng kháng sinh quá nhiều và ngay cả khi điều trị các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn có thể khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Điều này có nghĩa là vi khuẩn không còn bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Kết quả là, rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng không còn có thể được điều trị thành công như trước.
Hơn nữa sử dụng thuốc kháng sinh thường không giúp hồi phục nhanh hơn, ngay cả khi viêm phế quản hoặc nhiễm trùng tai do vi khuẩn gây ra.
3.Uống thuốc viêm họng không đủ liệu trình
Nếu được kê đơn thuốc kháng sinh, điều quan trọng là phải dùng đủ liệu trình, ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn.
Nếu uống thuốc theo đúng liều lượng, đúng chỉ định của bác sĩ, thông thường các triệu chứng viêm họng cấp sẽ giảm sau 2-5 ngày. Ngược lại, nếu không uống đủ liều, bỏ thuốc giữa chừng, bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí không khỏi và gây các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các biện pháp phòng ngừa viêm họng
Các bước có thể thực hiện để giảm nguy cơ viêm họng, mắc hoặc lây lan các bệnh đường hô hấp trên bao gồm:
- Rửa tay để giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan bệnh nhiễm trùng.
- Che miệng hoặc mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tiêm phòng cúm và phế cầu.
- Ngừng hút thuốc, hút thuốc là một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường hô hấp.
- Vệ sinh môi trường sống: nhà cửa thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ, không khói thuốc.
- Mặc quần áo ấm và dinh dưỡng tốt.
Mời độc giả xem thêm video:
Hành khách Tiêm 1 mũi vaccine có thể đi lại bằng đường hàng không, đường sắt