Phòng ngừa dị ứng phấn hoa

SKĐS - Hiện nay số người mắc bệnh dị ứng ngày càng khá phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau như: do thuốc, thực phẩm, hóa chất, bụi nhà... hoặc do các loại vi khuẩn, virút, nấm...

Hiện nay số người mắc bệnh dị ứng ngày càng khá phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau như: do thuốc, thực phẩm, hóa chất, bụi nhà... hoặc do các loại vi khuẩn, virút, nấm... Một nguyên nhân ít được chú ý là do phấn hoa, dị nguyên này có thể gây nên tình trạng dị ứng làm cho việc chẩn đoán bệnh có khi rất dễ bị nhầm lẫn.

Phấn hoa thường có màu vàng, đôi khi có màu tím hoặc các màu sắc khác. Các hạt phấn dính liền với nhau thành khối phấn như: hoa lan, hoa thiên lý... Nhìn phóng đại dưới kính hiển vi thấy hạt phấn hoa có hai nhân gồm nhân sinh trưởng và nhân sinh sản. Chung quanh hạt phấn hoa có hai lớp màng với lớp màng ngoài được cutin hóa, rắn, không thấm nước, tua tủa những cái như gai, mào... Từng khoảng có những chỗ trống, đó là lỗ nẩy mầm; lớp màng trong bằng cellulose dày lên ở phía trước các lỗ nẩy mầm này. Kích thước của các hạt phấn hoa thay đổi tùy theo từng loại cây cỏ, trung bình từ 0,01 - 0,025mm.

Phấn hoa gây bệnh dị ứng cho người có kích thước rất nhỏ, thường dưới 0,05 mm; lượng phấn hoa lớn có liên quan đến các loại cây cỏ được trồng nhiều tại địa phương và thụ phấn nhờ gió có thể gây dị ứng. Một gốc lúa có thể có tới 50 triệu hạt phấn hoa, hạt phấn hoa của cây thông có hai quả bóng nhỏ chứa đầy khí hai bên nên rất nhẹ và có khả năng bay đi xa khi có gió. Các nhà khoa học Mỹ, Pháp, Nga và nhiều nước khác đã đặc biệt quan tâm đến phấn hoa của loại cỏ phấn hương ambrosia vì bệnh dị ứng do loại phấn hoa này đã gây ra bệnh lý với mức độ nghiêm trọng. Phân tích phấn hoa của loại cỏ phấn hương ambrosia đã phát hiện nhiều thành phần khác nhau như: 24,4% protein; 12,2% cellulose; 7,3% pentose; 2,1% dextrin; 0,37% phosphore; 5,4% tro thực vật... Cỏ phấn hương ambrosia được xem như một loài cỏ dại, mọc thành từng bụi có khi cao hơn một thước. Hiện nay cỏ phấn hương ambrosia mọc tràn lan khắp nơi khiến các khoa học gia phải lo ngại vì phấn hoa của cỏ phấn hương có thể gây ra triệu chứng dị ứng nghiêm trọng. Mỗi cây cỏ phấn hương ambrosia có thể sinh ra khoảng một tỉ hạt phấn hoa trong một mùa; đây là loại phấn hoa có độ dị ứng cao, có lẽ cao nhất trong các loại phấn hoa và là nguyên nhân chính gây ra bệnh sốt cỏ khô còn gọi là bệnh viêm mũi dị ứng. Hai loài Ambrosia artemisiifolia và Ambrosia psilostachya được xem là nguy hiểm nhất trong số các loài cỏ phấn hương ambrosia gây ra bệnh sốt cỏ khô. Mặc dù nồng độ phấn hoa cao nhất ở ngay các bụi cỏ phấn hương ambrosia nhưng phấn hoa của cỏ phấn hương có thể bay đi rất xa, có khi xa 1,6 cây số trong không khí.

di ung phan hoaPhấn hoa của loại cỏ phấn hương ambrosia có thể gây bệnh lý dị ứng nghiêm trọng

Sau loại phấn hoa của cỏ phấn hương ambrosia, thực tế phấn hoa họ lúa cũng là dị nguyên gây bệnh dị ứng hay gặp. Theo các nhà khoa học, họ lúa có tới 313 loài với 3.500 loại khác nhau, gió đã góp phần cho sự thụ phấn; kích thước của hạt phấn từ 0,01 - 0,02mm, đáng chú ý là các hạt phấn có đuôi mèo, có chân vịt, loại hoa đồng cỏ, loại mạch đen... Ngoài ra, phấn hoa của một số loại cây khác như: phấn hoa của cây bạch dương có kích thước hạt phấn khoảng 0,02mm có màng ngoài mỏng, phấn hoa cây liễu có kích thước hạt phấn 0,03mm, phấn hoa cây sồi có kích thước hạt phấn 0,02mm và nhiều loại phấn hoa của các cây cỏ khác như cỏ cựa gà, hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa lay ơn, hoa đào, hoa tử đinh hương... có hạt phấn thường nhỏ hơn 0,05mm cũng có thể là những dị nguyên gây nên bệnh dị ứng.

Như vậy, trên thực tế tùy theo cơ địa của từng người, bệnh dị ứng do nguyên nhân là dị nguyên phấn hoa có thể xảy ra với những biểu hiện triệu chứng bệnh lý của viêm mũi mùa, sốt mùa, viêm màng tiếp mạc mùa, hen phế quản mùa... mà đôi khi trên lâm sàng có thể chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh cảm cúm. Dị ứng do phấn hoa là một loại dị ứng do dị nguyên ngoại sinh không nhiễm trùng giống như các loại bụi nhà, bụi đường phố, bụi thư viện, biểu bì, vảy da, lông súc vật, thực phẩm, thuốc, hóa chất... thường xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng; vì vậy việc phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và cấp cứu kịp thời những trường hợp dị ứng nặng là yêu cầu cần thiết của các cơ sở y tế. Tại nhiều quốc gia đã tổ chức được hệ thống các trung tâm hay khoa dị ứng để đáp ứng cho việc phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh này; góp phần hạn chế được tình trạng dị ứng ngày càng xảy ra nhiều.

Lưu ý tình trạng dị ứng có thể xảy ra tức thì hay xảy ra muộn. Dị ứng tức thì có đặc điểm là thời gian xuất hiện phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân rất nhanh, từ vài ba phút, thậm chí ngắn hơn trong vài ba giây; có thể đến 1 - 2 giờ, muộn nhất là 3 - 4 giờ kể từ thời điểm tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh. Dị ứng muộn có đặc điểm là thời gian xuất hiện phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân sớm nhất sau 5 - 6 giờ, trung bình sau 24 - 48 - 72 giờ; đôi khi xảy ra nhiều ngày sau đó kể từ khi tiếp xúc với kháng nguyên gây bệnh. Việc điều trị bệnh dị ứng thường căn cứ vào cơ chế gây bệnh, chủ yếu là thực hiện biện pháp đặc hiệu và không đặc hiệu. Biện pháp điều trị đặc hiệu nhằm loại trừ tác động của dị nguyên và kháng thể bằng cách loại bỏ dị nguyên, giảm mẫn cảm đặc hiệu, ức chế sự hình thành kháng thể dị ứng, ức chế sự kết hợp dị nguyên với kháng thể dị ứng. Biện pháp điều trị không đặc hiệu nhằm mục đích vô hiệu hóa các hoạt chất trung gian, xử lý rối loạn chức năng, tổn thương tổ chức, các triệu chứng dị ứng, thay đổi khí hậu, tập thể dục, châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt, dùng thuốc Nam chống dị ứng.


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn