Hà Nội

Từ nay đến giữa năm 2022, Việt Nam tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19

02-10-2021 18:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 được tổ chức chiều 2/10.

Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnhThủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

SKĐS - Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ nhập vaccine, đây là vấn đề có tính chất rất quyết định cho việc mở cửa thắng lợi nền kinh tế...

Chiều 2/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2021, buổi họp được chủ trì bởi Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin trả lời một số câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Về câu hỏi liên quan đến lộ trình tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân tại TP. Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ tiếp tục phân bổ vaccine để thực hiện tiêm mũi 2 cho nhân dân TP. Hà Nội. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin, không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã có văn bản gửi địa phương xây dựng địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng. Trong đó có kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho đối tượng đủ 18 tuổi trở lên và kế hoạch tiêm mũi 2 để làm sao bao phủ tiêm vaccine.

Từ nay đến giữa năm 2022, Việt Nam tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 - Ảnh 2.

Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nguyên Phúc.

Hiện các tỉnh, thành phố đã có báo cáo gửi Bộ Y tế kế hoạch tiêm vaccine dựa trên kế hoạch phân bổ vaccine để tiêm cho các đối tượng theo từng tuần, từng tháng. "Tuy nhiên, Bộ Y tế, Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao… thời gian qua đã tích cực tìm nguồn vaccine nhưng lượng vaccine về còn hạn chế. Khi vaccine về đến đâu, phân bổ đến đó, đồng thời căn cứ vào tình hình dịch bệnh, thời gian qua Bộ đã phân bổ ưu tiên cho Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh phía Nam", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Về hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Hội đồng vaccine quốc gia nghiên cứu, bước đầu thống nhất căn cứ từng loại vaccine để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Việc này đang được xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn một lần nữa để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Thông tin về việc lượng vaccine phòng COVID-19 sẽ về trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều. Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ về khoảng 55 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.

Trước vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp, khu công nghiệp thích ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Y tế lấy ví dụ cụ thể: Doanh nghiệp nếu phát hiện 1 F0 sẽ khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi cách ly, điều trị, đưa các trường hợp F1 đi cách ly, đồng thời phun khử khuẩn. "Sau 24h nhà máy, xí nghiệp có thể đưa lực lượng mới quay trở lại làm việc", Thứ trưởng Tuyên nói.

Từ nay đến giữa năm 2022, Việt Nam tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời báo chí.

Trước tình hình những ngày vừa qua nhiều người dân sinh sống tại TP. HCM tự phát di chuyển về các địa phương thuộc tỉnh, thành phía Nam, Bộ Y tế đã phối hợp để chỉ đạo cho các công dân tại TP. HCM đăng ký và cho các tỉnh tự đưa công dân về địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương đón nhận, đưa đến khu cách ly để đảm bảo an toàn.

Về câu hỏi liên quan đến vấn đề giá test kit xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã có nhiều hướng dẫn để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ mua kit xét nghiệm cho người dân và người lao động. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc đối tượng nào được ưu tiên, có văn bản hướng dẫn gộp mẫu để tiết kiệm chi phí.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị cung ứng đảm bảo tính công khai minh bạch. Hiện tại, Bộ đã cấp phép lưu hành cho 97 loại test COVID-19, trong đó 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phục vụ doanh nghiệp và địa phương...

Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hàng tuần, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký và cạnh tranh lành mạnh. Bộ cũng đã ban hành các văn bản đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và thanh tra kiểm tra mua sắm, trang thiết bị, cơ sở dịch vụ xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra đang đi kiểm tra các tỉnh để xem xét, chấn chỉnh hành vi nâng giá".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nơi sự sống mong manh (P8): Nước mắt ngày trở về.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn