Viêm họng: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị

27-09-2021 11:50 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm họng là căn bệnh dễ mắc vào lúc giao mùa hoặc khi thời tiết hay môi trường lạnh. Tìm hiểu về bệnh viêm họng cũng chính là bước đầu để bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Viêm họng: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị tại nhà - Ảnh 1.

Bài viết được tư vấn bởi BSCKII NGUYỄN THỊ THÔNG TUYẾT - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 354

Viêm họng là một căn bệnh mà ai cũng có thể mắc, từ trẻ con cho tới người cao tuổi, từ phụ nữ đến nam giới…. Hiếm người chưa từng một lần mắc căn bệnh này ở một mức độ nào đó. Nguyên do là bởi họng cũng chính là một cửa ngõ của cơ thể. Những người có sức đề kháng kém thường hay mắc căn bệnh này.

Viêm họng- Những điều bạn cần biết - Ảnh 1.

Đau họng là một trong những phiền toái mà căn bệnh viêm họng đem tới cho bạn

1. Nguyên nhân dẫn tới viêm họng

Viêm họng được xếp vào nhiễm trùng đường hô hấp trên với các biểu hiện viêm nhiễm ở niêm mạc hầu, họng. Nguyên nhân gây ra viêm họng có thể phân ra hai loại : Viêm họng do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng.

  - Nguyên nhân do nhiễm trùng: Phần lớn các trường hợp viêm họng là do virus gây ra. Bao gồm các loại virus gây bệnh cảm lạnh, cúm, đau mắt đỏ.

Vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở vùng hầu, họng mặc dù tỷ lệ ít hơn. Viêm họng do liên cầu khuẩn chiếm khoảng 25% trẻ em và khoảng 10% người lớn. Một số nguyên nhân viêm họng do nhiễm khuẩn khác như nhiễm nấm, nhiễm lậu cầu nhưng ít gặp hơn. Viêm họng do nấm thường gặp và nghiêm trọng ở những người có HIV do tình trạng suy giảm miễn dịch.

  - Nguyên nhân không do nhiễm trùng: Viêm họng không do nhiễm trùng có thể kể đến các chất gây kích ứng như khói thuốc lá, các loại hóa chất (như hóa chất tẩy rửa, các sản phẩm làm sạch), ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là yếu tố dị ứng, người có cơ địa dị ứng dễ có nguy cơ bị viêm họng hơn bình thường. Một nguyên nhân thường hay gặp gây viêm họng là trào ngược dạ dày-thực quản. Khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản dẫn tới khả năng nhẹ là kích ứng gây viêm, nặng hơn sẽ gây tổn thương niêm mạc ở vùng cổ họng và gây viêm loét. Đôi khi, viêm họng có thể do nói quá nhiều (bệnh nghề nghiệp của giáo viên), do khóc lóc, gào thét quá mức ( như ở trẻ nhỏ), do không khí khô lạnh ( mùa đông hoặc phòng để điều hòa nhiệt độ quá thấp) kích ứng họng và gây viêm.

2. Triệu chứng viêm họng biểu hiện như thế nào?

Đau họng là triệu chứng dễ nhận thấy nhất của viêm họng. Bạn có thể thấy đau rát ở cổ họng, nuốt khó hoặc đau khi nuốt. Ngứa họng là triệu chứng thường gặp và gây ra ho. Ho có thể có đờm hoặc không ( ho khan). Ngoài ra, việm họng có thể kèm theo các triệu chứng khác như:

  ● Sốt: thường gặp ở viêm họng nặng, có thể kèm theo nhức đầu, chóng mặt

  ● Sưng hạch bạch huyết vùng cổ: bạn có thể sờ thấy hạch nổi lên ở hai bên góc hàm, hoặc dưới hàm.

  ● Khàn tiếng, thậm chí mất tiếng

  ● Chảy nước mũi, hắt xì hơi

  ● Kích thích buồn nôn, nôn ( nhất là ở trẻ nhỏ)

Viêm họng- Những điều bạn cần biết - Ảnh 2.

Viêm họng gây tấy đỏ vùng hầu họng

3. Các thể viêm họng

Viêm họng có nhiều thể bệnh, bao gồm:

- Viêm họng cấp: Bệnh có thể gặp cả ở người lớn lẫn trẻ em. Bệnh khởi phát đột ngột gây viêm cấp tính toàn bộ niêm mạc vùng họng. Người bệnh có thể sốt cao tới 39-40 độ C, nhất là trẻ em.

- Viêm họng mạn tính gồm :

  + Viêm họng mạn tính xung huyết đơn thuần: Khám họng thấy niêm mạc đỏ, nhiều tia mao mạch máu nổi lên

  + Viêm họng mạn tính xuất tiết: Niêm mạc họng cũng đỏ xung huyết nhưng có tăng xuất tiết, hơi dính vào niêm mạc

  + Viêm họng mạn quá phát : Niêm mạc họng đỏ và dày. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là "trụ giả". Còn gọi là viêm họng hạt.

  + Viêm họng teo: Niêm mạc họng teo dần, làm cho niêm mạc họng trở nên nhợt nhạt, khô và hình thành những vảy mỏng, vàng, khô bám từng cụm. Các trụ sau cũng teo biến đi làm cho họng trở nên rộng hơn. Viêm họng teo thường là viêm họng do nghề nghiệp hoặc ở người cao tuổi.

Đáng lưu ý là các thể viêm họng nguy hiểm sau:

  - Viêm họng liên cầu khuẩn: Là viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết bê ta nhóm A gây ra. Đây là một thể viêm họng nguy hiểm vì có biến chứng sang viêm khớp cấp, viêm màng trong tim cấp hoặc mãn tính gây hẹp hở van tim, viêm cầu thận cấp...

  - Viêm họng do bạch hầu ( bệnh bạch hầu): Bệnh này đã từng gây tử vong cao cho trẻ em cho đến khi tìm ra vaccine phòng ngừa bạch hầu. Đặc trưng là giả mạc phát triển nhanh chóng và gắn chặt vào niêm mạc hầu, họng.

  - Viêm họng Vincent (thể viêm họng loét): Bệnh dễ nhầm với nhiệt miệng, nấm miệng hoặc tưa lưỡi.

4. Điều trị viêm họng thế nào?

Nguyên tắc điều trị viêm họng là tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus thì không sử dụng kháng sinh. Thường chỉ sử dụng kháng sinh điều trị viêm họng khi xác định là do vi khuẩn. Hoặc nguyên nhân do virus nhưng bị bội nhiễm ( ví dụ bội nhiễm sau cúm). 

Đa số trường hợp viêm họng có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày đến 1 tuần. Bệnh có thể xuất hiện đơn độc nhưng cũng có thể đi kèm với các bệnh khác như viêm họng trong cảm lạnh, cúm, sởi, viêm amidan… 

Ngoài thuốc kháng sinh, những phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm họng như sau:

   ● Nghỉ ngơi và bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể.

   ● Uống nước ấm, hoặc nước chanh ấm, trà ấm.

   ● Sử dụng máy tạo độ ẩm, giảm tình trạng không khí khô trong phòng, làm dịu niêm mạc họng.

   ● Tắm nước nóng hoặc xông hơi bằng nước ấm, hít thở sâu bằng miệng và mũi trong 5 đến 10 phút, lặp lại vài lần 1 ngày cho đến khi cảm giác đau rát ở cổ họng thuyên giảm.

   ● Súc miệng với nước muối loãng, ấm để xua tan cảm giác đau rát ở cổ họng.

   ● Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng như phấn hoa, thuốc lá, đồ ăn quá cay nóng, mặn…

Khi có những dấu hiệu cảnh báo nói trên, cần đi khám để được xác định nguyên nhân và được điều trị, tránh các biến chứng đáng tiếc.

5. Viêm họng khi nào nên gặp bác sĩ?

Đau họng do nhiễm virus thường tự khỏi sau hai đến bảy ngày. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây đau họng cần được điều trị và người bệnh cần đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  ● Đau họng nghiêm trọng

  ● Đặc biệt đau khi nuốt

  ● Khó thở hoặc đau khi thở

  ● Khó mở miệng

  ● Đau các khớp trong cơ thể

  ● Sốt cao hơn 38 độ C

  ● Đau hoặc cứng cổ

  ● Đau tai và mũi

  ● Xuất hiện máu trong nước bọt hoặc đờm

  ● Đau họng kéo dài hơn một tuần và không có dấu hiệu khá hơn.

6. Biến chứng của viêm họng

Viêm họng nếu không được khống chế triệt để có thể hình thành khối tụ mủ, áp xe. Khu vực viêm sưng tấy hoặc áp xe có vị trí quanh amiđan, các khoảng bên họng, áp xe thành sau họng. Biến chứng nặng dễ gặp ở trẻ nhỏ từ 1 đến 2 tuổi, hay ở các đối tượng trì hoãn điều trị. Đôi khi ổ viêm tấy chuyển sang hoại thư vùng cổ, mặc dù hiếm gặp nhưng tiên lượng rất nặng nề.

Viêm có thể lan rộng sang các cơ quan lân cận như gây viêm cấp tính ở tai, amidan, xoang, tuyến giáp. Thậm chí vi khuẩn theo dịch mủ lan xuống cơ quan phế quản, phổi gây viêm phế quản, phế quản -phổi. Lan vào phổi, có thể gây viêm thùy phổi, áp xe phổi.

Khi viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra, cơ thể phản ứng sinh ra kháng thể chống vi khuẩn đồng thời kháng thể này cũng dung giải luôn chính tổ chức của mình gây nên bệnh thấp khớp cấp, viêm cầu thận, viêm màng tim (thấp tim)...

Ngoài ra, ổ nhiễm trùng ở họng chứa các tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh này có thể là vi trùng kháng thuốc hay có độc tính cực mạnh. Việc phóng thích ồ ạt vi trùng và độc tố của chúng vào máu sẽ gây ra tình trạng choáng nhiễm độc liên cầu, nhiễm trùng huyết, tụt huyết áp, suy hô hấp, rối loạn tri giác, nguy cơ đến tính mạng nếu không được cứu chữa kịp thời tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện.

Viêm họng- Những điều bạn cần biết - Ảnh 4.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có khói bụi, môi trường ô nhiễm để phòng viêm họng

7. Phòng ngừa viêm họng thế nào?

Rửa tay thường xuyên, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi ra ngòai trở về. Rửa tay đúng cách bằng xà phòng, nước sạch và dung dịch kháng khuẩn.

- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nơi có khói, bụi hoặc môi trường ô nhiễm.

- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng, súc miệng với nước muối loãng hàng ngày.

- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.

- Làm ẩm không khí trong phòng và nơi làm việc nếu độ ẩm quá thấp. Tránh không khí quá khô hoặc quá lạnh.

- Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh hay trong phòng có nhiệt độ thấp do điều hòa.

- Tránh dùng chung, đồ ăn, dụng cụ ăn, uống.

- Tránh để khô họng, thường xuyên uống nước ấm, không nên uống nước đá lạnh,...

8. Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm họng do rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân đơn giản và chỉ 3-5 ngày là bệnh tự khỏi, có những nguyên nhân phức tạp hoặc nguy hiểm, bệnh kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng. 

Người bệnh cần theo dõi triệu chứng, có thái độ tích cực thăm khám sớm để được can thiệp sớm, giữ an toàn cho sức khỏe của chính mình.

Viêm họng- Những điều bạn cần biết - Ảnh 5.

Rửa tay thường xuyên và đúng cách phòng ngừa nhiều bệnh trong đó có bệnh viêm họng


BS. CKII. Nguyễn Thị Thông Tuyết
Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện quân y 354
Ý kiến của bạn