Hà Nội

5 lưu ý khi sử dụng thuốc chữa viêm họng cho người cao tuổi

28-09-2021 16:21 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Người cao tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao và khả năng phục hồi chậm hơn so với người trẻ, nên việc sử dụng thuốc trong điều trị viêm họng cũng cần được đánh giá và điều chỉnh để tránh những tác dụng phụ hoặc tương tác bất lợi khi dùng thuốc.

5 lưu ý khi sử dụng thuốc chữa viêm họng cho người cao tuổi - Ảnh 1.

CHIA SẺ

Viêm họng là tình trạng khó chịu, ngứa hoặc đau vùng họng, đặc biệt khi nuốt. Nguyên nhân thường gặp là do cảm lạnh, cảm cúm hoặc virus. Một số trường hợp do vi khuẩn, hoặc các yếu tố khác như dị ứng, hút thuốc lá, không khí quá khô, la hét lớn tiếng nhiều, hay do trào ngược dạ dày… Nếu không có yếu tố nhiễm khuẩn thì hầu hết viêm họng thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày.

Tùy vào nguyên nhân và mức độ triệu chứng viêm họng, có thể lựa chọn các thuốc điều trị như: Thuốc giảm đau hạ sốt, viên ngậm làm dịu họng, thuốc kháng histamin, thuốc kháng axit dạ dày hoặc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa viêm họng

Điều chỉnh liều sử dụng của thuốc

Ở người cao tuổi, hệ thống tiêu hóa, tuần hoàn có thể mất nhiều thời gian hơn để hấp thu thuốc. Hay chức năng gan, thận suy giảm có thể ảnh hưởng đến quá trình đào thải độc tố của thuốc giảm theo. Do đó khi kê đơn thuốc, cần hỏi rõ tình trạng gan, thận và hiệu chỉnh liều cho phù hợp.

Ví dụ với người bệnh có chức năng gan suy giảm và gặp tình trạng viêm họng do cảm cúm, liều sử dụng cho thuốc điều trị viêm họng paracetamol (acetaminophen) tối đa là 2000 mg/ngày (so với người bình thường là 4000 mg/ngày).

Cơ thể người già cũng giống như một bộ máy đã vận hành lâu ngày, có những chức năng dần lão hóa. Do đó việc sử dụng thuốc điều trị viêm họng, hoặc bất cứ bệnh lý nào cũng cần có những đánh giá và điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn khi sử dụng.
Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Rủi ro tương tác thuốc

Người cao tuổi thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc huyết áp, tiểu đường, thuốc xương khớp hay thuốc hỗ trợ chức năng thần kinh… Nên hỏi rõ những loại thuốc người bệnh đang sử dụng nhằm đánh giá nguy cơ tương tác thuốc có thể gặp phải.

Ví dụ bệnh nhân đang sử dụng lisinopril điều trị tăng huyết áp, nếu tư vấn thuốc trị viêm họng kháng histamin là diphenhydramine sẽ làm tăng tác dụng phụ của lisinopril như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, thay đổi nhịp tim… Trong trường hợp này có thể tư vấn bệnh nhân sử dụng thuốc kháng histamin khác như loratadine hoặc citirizine.

Lựa chọn dạng thuốc phù hợp

Một số người già gặp khó khăn khi nuốt. Do đó nên lựa chọn thuốc dạng lỏng, hoặc dạng viên có kích thước nhỏ, dễ ngậm nuốt phù hợp khi sử dụng. Nếu viên thuốc cứng, có kích thước lớn có thể gây hóc, nghẹn gây nguy hiểm.

photo-1632816691456

Lựa chọn thuốc chữa viêm họng thích hợp cho người cao tuổi.

Thời điểm dùng thuốc

Người cao tuổi không nên uống nhiều nước vào buổi tối, có thể gây tiểu nhiều lần ảnh hưởng tới giấc ngủ. Do đó khi tư vấn sử dụng thuốc, nên lưu ý hướng dẫn thời điểm sử dụng thuốc phù hợp để tránh những bất tiện cho người bệnh.

Hướng dẫn sử dụng thuốc rõ ràng

Do đặc điểm người lớn tuổi khả năng nghe kém, hoặc trí nhớ giảm sút khiến việc lắng nghe tư vấn, sử dụng thuốc khó khăn hơn. Nhân viên y tế nên kiên nhẫn giải thích, ghi chú to, rõ ràng để người bệnh hiểu, nắm được cách sử dụng thuốc. Có thể ghi rõ thời gian sử dụng cùng liều của từng loại thuốc trên bao bì. Đính kèm giấy ghi chú cụ thể cách dùng các loại thuốc trị viêm họng.

Những biện pháp phòng ngừa viêm họng cho người cao tuổi

photo-1632816692362

Vận động giúp nâng cao sức đề kháng

Cơ thể lão hóa theo tuổi tác khiến sức đề kháng giảm, người cao tuổi khi bị bệnh sẽ lâu khỏi hơn. Do đó phòng ngừa nhiễm bệnh là việc cần thiết. Một số biện pháp bảo vệ họng hiệu quả như:

- Uống đủ nước, giữ cho cổ họng không bị khô.

- Súc miệng bằng nước ấm hàng ngày.

- Không tắm bằng nước lạnh.

- Giữ ấm cổ.

- Không ăn quá nhiều các thức ăn cay, nóng, hoặc các thức ăn có nguy cơ gây tổn thương vòm họng như xương cá, đồ ăn cứng.

- Tránh xa khói thuốc lá hoặc không khí ô nhiễm.

- Dùng máy tạo ẩm nếu ở trong phòng điều hòa nhiều.

- Hạn chế tiếp xúc với những người đang ốm.

- Nếu ho kích ứng khi sử dụng một loại thuốc nào đó, nên báo cho bác sĩ để được đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều sử dụng.

- Sử dụng một số thảo dược trị viêm họng như húng chanh, mật ong, tỏi…

- Vận động thể dục phù hợp thể trạng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Mời độc giả xem thêm video:

Từ điểm nóng Covid19 - Chăm sóc F0 tại nhà


Dược sĩ Nguyễn Vũ Nguyệt Minh ‎
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn