Nguyên nhân gây viêm họng
Nguyên nhân của viêm họng rất đa dạng từ nhiễm trùng đến chấn thương. Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm họng phổ biến nhất:
- Cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm virus khác: Virus gây ra khoảng 90% trường hợp viêm họng. Các bệnh như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm, bệnh sởi, quai bị… có thể là nguyên nhân gây viêm họng.
- Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn: Phổ biến nhất là viêm họng liên cầu, một bệnh nhiễm trùng họng và amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra.
- Dị ứng: Khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, cỏ và lông thú cưng… sẽ tiết ra các hóa chất gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mắt, hắt hơi và kích ứng cổ họng. Chất nhầy dư thừa trong mũi có thể chảy xuống phía sau cổ họn (hiện tượng chảy dịch mũi sau) cũng có thể gây kích ứng cổ họng.
Cùng với đau họng, người bệnh có thể có các triệu chứng như: Nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, ho, sốt, ớn lạnh, sưng hạch ở cổ, khan giọng, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, khó nuốt, chán ăn…
- Không khí khô: Không khí khô (đặc biệt trong những tháng mùa đông khi chạy máy sưởi) có thể làm khô miệng, ngứa họng.
- Khói thuốc, hóa chất và các chất gây kích ứng khác: Nhiều hóa chất khác nhau và các chất khác trong môi trường gây kích ứng cổ họng, bao gồm: Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, sản phẩm tẩy rửa và các hóa chất khác…
- Tổn thương: Bất kỳ chấn thương nào, ví dụ do thức ăn cứng mắc vào cổ họng, có thể gây kích ứng, đau họng. Đau họng có thể do la hét, nói to, hát trong một thời gian dài…
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng và trào ngược acid lên cổ họng gây viêm đau họng.
Viêm họng có thể do vi khuẩn, virus...
Các biện pháp khắc phục tại nhà chữa viêm họng
Hầu hết các triệu chứng viêm họng có thể được khắc phục tại nhà bằng cách nghỉ ngơi nhiều để hệ thống miễn dịch có cơ hội chống lại nhiễm trùng.
Để giảm đau do viêm họng, có thể súc miệng bằng nước muối ấm; uống các loại nước ấm có tác dụng làm dịu cổ họng, chẳng hạn như trà nóng với mật ong, nước súp hoặc nước ấm với chanh, trà thảo mộc…
Bật máy tạo độ ẩm phun sương mát để bổ sung độ ẩm cho không khí. Hạn chế nói cho đến khi cổ họng của bạn cảm thấy tốt hơn…
Cần đi khám nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào có thể nghiêm trọng hơn sau: Đau họng nghiêm trọng, khó nuốt, khó thở hoặc đau khi thở, khó thở bằng miệng, đau khớp, sốt trên 38 độ C, đau hoặc cứng cổ, đau họng kéo dài hơn 1 tuần, có máu trong nước bọt hoặc đờm.
Các loại thuốc chữa viêm họng
Hầu hết các cơn đau họng sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày. Nhưng viêm họng do vi khuẩn gây ra cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để điều trị, cần dựa vào các triệu chứng phối hợp cùng với ho và đặc điểm của ho để tìm ra nguyên nhân.
Thông thường trong giai đoạn đầu của bệnh viêm họng, chỉ cần dùng các thuốc giảm triệu chứng. Với các trường hợp nặng hơn, việc dùng thuốc viêm họng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, mới mang lại hiệu quả và an toàn.
1. Thuốc hạ sốt, giảm đau
Một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau có thể giúp kiểm soát cơn đau và giảm sốt do viêm họng. Có nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) để ứng phó với tình trạng này, dưới dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng để uống.
Các thuốc thường dùng như: acetaminophen (paracetamol), ibuprofen, naproxen…
Ibuprofen và naproxen thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Chúng làm giảm đau và tấy đỏ bằng cách giảm viêm và sưng.
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào cho chứng đau họng:
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có thể được dùng ibuprofen để giảm đau nhẹ đến trung bình. Ibuprofen không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Liều lượng cần theo chỉ định của nhà sản xuất hoặc bác sĩ chỉ định.
- Acetaminophen an toàn và dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định liều lượng acetaminophen thích hợp.
- Trước khi sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt này cần cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu người bệnh có vấn đề về gan (hãy thận trọng trước khi dùng acetaminophen). Tương tự như vậy, nếu người bệnh bị huyết áp cao hoặc các vấn đề về thận, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng các thuốc NSAID.
- Nếu người bệnh có phản ứng dị ứng với aspirin hoặc bất kỳ loại thuốc NSAID nào khác, thì không sử dụng lại các thuốc NSAID này. Tương tự, tránh dùng những loại thuốc này nếu bạn bị đau trước hoặc sau khi phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Thuốc kháng histamine có thể được sử dụng trị đau họng, giúp ngăn chặn hoặc ngăn ngừa ngứa cổ họng. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự giải phóng histamine trong cơ thể, một chất hóa học có thể gây ra các phản ứng dị ứng.
Một số thuốc kháng histamine có thể sử dụng như: Chlopheniramin, diphenhydramine, loratadine, cetirizine, fexofenadine…
Người lớn từ 65 tuổi trở lên hoặc những người bị bệnh tăng nhãn áp hoặc loét dạ dày tá tràng nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc kháng histamine.
Bên cạnh việc dùng thuốc cần tránh các chất gây dị ứng hoặc tác nhân có thể khiến cổ họng bị đau. Ví dụ, tránh xa khói thuốc có thể gây khô hoặc đau cổ họng…
3. Thuốc làm giảm acid trong dạ dày
Các thuốc này có thể giúp giảm đau họng do GERD (trào ngược acid dạ dày- thực quản). Bao gồm các thuốc như: Thuốc kháng acid (giúp trung hòa acid trong dạ dày); thuốc chẹn kháng histamine H2 như cimetidine, famotidine (giảm sản xuất acid dạ dày) và thuốc ức chế bơm Proton (PPI) như lansoprazole, omeprazole (giúp ngăn chặn sản xuất acid dạ dày).
Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn (như viêm họng liên cầu khuẩn. Việc dùng các thuốc này còn giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn do viêm họng gây ra như: Viêm phổi, viêm phế quản, sốt thấp khớp…
Đối với thuốc kháng sinh cần sử dụng theo đơn của thày thuốc. Người bệnh không nên tự ý sử dụng. Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ định để điều trị dứt điểm bệnh viêm họng.
5. Các thuốc khác
Một số loại thuốc có chứa benzocain, tinh dầu bạc hà và phenol dưới dạng thuốc xịt họng hoặc viên ngậm họng… có thể giúp giảm đau họng. Tuy nhiên, những loại thuốc này có hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau họng, nhưng chúng có thể làm tê các vùng khác của miệng như lưỡi hoặc má. Không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng thuốc OTC có chứa benzocaine.
Thuốc giảm ho, long đờm chỉ được sử dụng trong các trường hợp ho nhiều gây kiệt sức. Vì ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể, có lợi nhằm tống các chất dị ứng và chất tiết ra ngoài.
>> Mời độc giả xem thêm video đặc biệt của Báo Sức khỏe & Đời sống:
Bác sĩ trong tâm dịch: 'Những gì tôi chứng kiến đủ đau thương cho cả đời người!'