1. Ai có nguy cơ dễ mắc bệnh beriberi?
Beriberi là tình trạng thiếu hụt thiamine, thường được gọi là vitamin B1. Cơ thể cần thiamine để phân hủy và tiêu hóa thức ăn, duy trì quá trình trao đổi chất, giúp cơ và hệ thần kinh thực hiện công việc của chúng một cách hiệu quả. Nếu bạn ăn một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng, sẽ không phải lo lắng về sự thiếu hụt vitamin B1 và mắc bệnh beriberi.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B1 gồm:
- Những người uống nhiều rượu, nghiện rượu có nhiều khả năng bị thiếu thiamine, vì uống quá nhiều rượu có thể cản trở khả năng hấp thụ thiamine của cơ thể.
- Trẻ bú mẹ có mẹ bị thiếu thiamine.
- Trẻ suy dinh dưỡng
- Người ăn chế độ ăn nhiều carbohydrate, đặc biệt là carbohydrate tinh chế.
- Những người tham gia vào hoạt động thể chất hoặc tập thể dục với cường độ cực cao.
- Bất kỳ ai bị cường giáp, có thể ngăn cản sự hấp thụ thiamine.
- Những người có một số vấn đề về tiêu hóa, có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là khi họ già đi.
- Những người đã phẫu thuật để giảm cân.
- Bất kỳ ai có mức độ căng thẳng cao...
2. Triệu chứng của bệnh beriberi
Có hai loại bệnh beriberi (tê phù) ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, cả hai đều có thể nguy hiểm:
- Bệnh tê phù ướt: Ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, vì liên quan đến hoạt động của tim nên đây là trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức.
- Bệnh tê phù khô: Có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương (CNS), làm gián đoạn chức năng vận động (chuyển động của cơ), có thể gây suy giảm phản xạ và tê liệt ở các chi, nhưng nhìn chung bệnh này dễ điều trị hơn bệnh tê phù ảnh hưởng đến tim.
Một số triệu chứng khác của bệnh beriberi có thể bao gồm:
- Yếu và mất cơ
- Rối loạn tâm thần
- Cảm giác ngứa ran hoặc mất độ nhạy ở ngón tay hoặc bàn chân
- Mệt mỏi
- Tim đập loạn nhịp
- Đau ngực
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Sốt...
Nếu những triệu chứng này không được quan tâm, điều trị khi mới xuất hiện, bệnh beriberi có thể tiến triển thành hội chứng Wernicke-Korsakoff, gây tổn thương nghiêm trọng ở một số bộ phận của não, có thể gây ra tình trạng lú lẫn nghiêm trọng và mất trí nhớ, một trong những dấu hiệu chính của hội chứng Wernicke-Korsakoff.
Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và không thể phục hồi khi tổn thương đã xảy ra. Do đó, phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, khi bắt đầu có dấu hiệu thiếu thiamin để tránh tình trạng bệnh tiến triển thành Wernicke-Korsakoff.
3. Điều trị bệnh Beriberi như thế nào?
- Dinh dưỡng tốt: Là tuyến phòng thủ đầu tiên để phòng ngừa và điều trị bệnh beriberi. Vitamin B1 (thiamin) chủ yếu được tìm thấy trong các loại thực phẩm như men bia, các loại đậu, thịt lợn, gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt.
Vitamin B1 có rất ít trong gạo trắng, ngũ cốc trắng đã xay. Ngoài ra, vitamin B1 bị biến tính ở pH cao và nhiệt độ cao. Do đó, khi nấu nướng và đóng hộp một số thực phẩm cũng như quá trình thanh trùng có thể phá hủy vitamin B1.
Khi bệnh beriberi được chẩn đoán và không quá nặng, có thể khắc phục tình trạng thiếu hụt bằng cách khuyến nghị chế độ ăn giàu thiamin. Điều đó có nghĩa là thêm nhiều thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày của bạn:
- Ngũ cốc bổ sung thiamine
- Cơm hoặc mì giàu thiamine
- Các loại hạt (hướng dương)
- Các loại đậu
- Thịt lợn
- Cá
- Sữa chua...
- Dùng thuốc: Các trường hợp bệnh beriberi tiến triển, ngoài thay đổi chế độ ăn uống, có thể cần dùng một số loại thuốc kê đơn như bổ sung thiamine hàng ngày, bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng truyền vitamin B1 tĩnh mạch cho đến khi các triệu chứng hết. Sau đó chuyển sang thiamine uống cho đến khi phục hồi hoàn toàn. Tiến trình điều trị, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để theo dõi khả năng cơ thể hấp thụ vitamin ở mức độ nào.
Ngay cả khi bệnh tê phù tiến triển đến mức phải cấp cứu y tế, chẳng hạn như bệnh tê phù ướt, tình hình vẫn có thể nhanh chóng được kiểm soát bằng cách can thiệp kịp thời. Tiên lượng chung cho điều trị bệnh beriberi do thiếu vitamin B1 rất tốt. Bởi các dấu hiệu và triệu chứng của sự thiếu hụt sẽ được giải quyết hoàn toàn khi bổ sung đầy đủ vitamin B1.
4. Cách phòng ngừa bệnh beriberi
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh và biến chứng của bệnh beriberi là thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cần bằng, bỏ thuốc lá và kiêng rượu...
Trẻ sơ sinh bú sữa công thức, nên kiểm tra thành phần có đủ vitamin B1 hay không (đảm bảo mua sữa bột cho trẻ sơ sinh từ nguồn đáng tin cậy).
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần có chế độ ăn uống đầy đủ với các thực phẩm giàu vitamin B1. Ngoài ra, cần kiểm tra tình trạng thiếu vitamin định kỳ.
Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn sẽ có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh beriberi.
Người nghiện rượu cần kiểm tra và bổ sung vitamin B1 thường xuyên.
Mời độc giả xem thêm video:
Bác sĩ lưu ý cách vo gạo làm mất lớp vỏ lụa bọc vitamin B1, dễ gây bệnh Beriberi | SKĐS