Những bệnh nhân mắc các bệnh tuyến giáp nặng và không được điều trị có thể bị rụng tóc. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng hormone trong tuyến giáp gây ảnh hưởng đến chu kỳ tăng trưởng của tóc. Tóc rụng và có thể không được thay thế bằng mọc mới, dẫn đến rụng tóc, tóc mỏng trên da đầu và các vùng khác như lông mày.
1. Điều trị rụng tóc bằng các biện pháp không kê đơn
Một số biện pháp làm chậm quá trình rụng tóc:
- Bổ sung sắt giúp tăng cường ferritin, từ đó giảm nguy cơ rụng tóc.
- Điều trị thiếu hụt dinh dưỡng: Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể góp phần gây ra rụng tóc ngay cả khi không có tình trạng tuyến giáp. Nên bổ sung vitamin B7, kẽm, đồng, vitamin C, E và A và coenzyme Q10 để giảm nguy cơ rụng tóc.
- Chế độ dinh dưỡng: Nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều canxi.
- Theo dõi lượng iốt trong cơ thể, nhất là những người bị rối loạn tuyến giáp tự miễn. Cơ thể sử dụng iốt để tạo ra hormone tuyến giáp, tuy nhiên, nếu thiếu hoặc quá nhiều iốt cũng có thể dẫn đến mất cân bằng và làm tăng nguy cơ rụng tóc.
2. Điều trị bằng thuốc kê đơn
Bệnh tuyến giáp thể nhẹ thường không dẫn đến rụng tóc. Cường giáp và suy giáp đều có thể gây rụng tóc. Tùy theo nguyên nhân gây rụng tóc các bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc điều trị phù hợp:
Có thể lựa chọn một số loại thuốc:
- Đối với những người bị suy giáp, có thể dùng levothyroxin, là một loại thuốc hoạt động giống như hormone tuyến giáp tự nhiên mà cơ thể đang thiếu. Thuốc được uống hàng ngày giúp điều chỉnh sự mất cân bằng cản trở sự phát triển của tóc. Tuy nhiên, cần mất khoảng 3-6 tháng, thậm chí một năm để tóc mọc lại hoàn toàn. Do vậy, người bệnh cần kiên trì điều trị, tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ: Giảm cân, lo lắng, dễ bị kích thích, tiêu chảy, bụng cứng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, nhịp tim không đều, đau ngực, run rẩy, đau đầu, mất ngủ…
- Với các trường hợp cường giáp, có thể dùng thuốc propylthiouracil, methimazole để giảm sản xuất quá mức hormone tuyến giáp. Khi mức độ hormone tuyến giáp giảm xuống mức bình thường, tình trạng rụng tóc nhanh sẽ ổn định. Nếu dùng đúng cách, các loại thuốc này sẽ kiểm soát cường giáp chỉ trong vài tuần.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gặp: Đau dạ dày, buồn ngủ, phát ban da, có vị đắng trong miệng, ớn lạnh, sốt, giảm bạch cầu, đau họng, vàng da, bệnh gan.
- Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này thường được dùng điều trị các bệnh lý về tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ…), tuy nhiên thuốc còn được sử dụng trong điều trị cường giáp để ngăn hoạt động của hormone tuyến giáp. Thuốc chẹn beta giúp giảm triệu chứng của bệnh cường giáp như tăng nhịp tim, run, hồi hộp.
Ngoài thuốc tuyến giáp, có thể áp dụng một số các phương pháp điều trị khác như:
- Minoxidil: Giúp điều trị rụng tóc mức trung bình ở người lớn. Thuốc thúc đẩy mọc tóc bằng cách kéo dài giai đoạn tăng trưởng, rút ngắn giai đoạn thoái hóa và làm giãn nở nang tóc đã bị thu gọn.
- Liệu pháp lazer mức độ thấp, một phương pháp điều trị sử dụng ánh sáng để kích thích mọc tóc, có thể được dùng để giúp tóc mọc lại nhanh hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Rụng tóc: Khi nào cần đi khám?