Để tóc phát triển khỏe mạnh, chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất là rất cần thiết. Nếu cơ thể không nhận được bất kỳ thứ nào trong số này thông qua chế độ ăn uống, rất dễ bị rụng tóc.
Các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và chứng telogen effluvium mạn tính (rụng tóc telogen - xảy ra khi có sự thay đổi về số lượng của các nang tóc đang phát triển thành tóc), rụng tóc từng vùng và rụng tóc nội tiết tố nam… Vì vậy, trước khi cân nhắc các lựa chọn điều trị khác, chúng ta cần quan tâm đến chế độ ăn uống và bổ sung vitamin để chống rụng tóc.
Một số thiếu hụt chất dinh dưỡng gây rụng tóc
- Sắt: Thiếu sắt là một dạng thiếu chất dinh dưỡng rất phổ biến và là nguyên nhân chính gây rụng tóc. Sắt giúp các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ chất sắt, các tế bào máu không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như rụng tóc, móng giòn và mệt mỏi…
- Kẽm: Kẽm là dưỡng chất quan trọng giúp tóc khỏe mạnh, đóng một vai trò quan trọng trong chức năng tế bào, miễn dịch và tổng hợp protein. Thiếu kẽm là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng telogen effluvium và tóc dễ gãy. Phụ nữ mang thai, người nghiện rượu, người mắc bệnh tiêu hóa và người ăn chay dễ bị thiếu kẽm.
- Axit béo: Omega-3 và Omega-6 là những axit béo thiết yếu giúp giảm viêm và hỗ trợ mọc tóc. Sự thiếu hụt những chất này có thể dẫn đến rụng tóc ở da đầu, lông mày... Axit béo có thể được lấy từ các loại cá như cá hồi, cá thu, cá mòi, cũng như từ trứng, hạt lanh, quả óc chó hoặc các chất bổ sung/dầu.
- Niacin: Niacin hay vitamin B3 đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển tóc bóng mượt, giúp tăng cường năng lượng và tăng cường lưu lượng máu đến da đầu. Thiếu niacin có liên quan đến các tình trạng như tiêu chảy, mất trí nhớ, rụng tóc...
Niacin được tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại hạt, trứng, nấm, thịt bò và cá ngừ.
- Vitamin D: Vitamin D kích thích tăng trưởng tế bào, giúp da đẹp hơn và xương chắc khỏe hơn, đồng thời kích thích các nang tóc cũ và mới phát triển.
Vitamin D tăng cường sức khỏe miễn dịch và chống lại các phản ứng viêm có thể khiến tóc mọc kém, bao gồm các tình trạng như rụng tóc từng vùng và rụng tóc toàn phần…
- Selen: Selenium là một khoáng chất vi lượng, đóng vai trò trong một số chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm cả sự phát triển của tóc. Nó có đặc tính chống oxy hóa giúp tăng cường chức năng trao đổi chất của cơ thể và giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố, cần thiết cho việc tạo ra mái tóc khỏe mạnh.
- Vitamin E: Vitamin E có đặc tính chống oxy hóa, chống lại stress oxy hóa, tổn thương tế bào và mô trong cơ thể, do các gốc tự do gây ra, bao gồm cả tổn thương gây ra cho tế bào nang lông. Vitamin E cũng đóng vai trò lưu thông và cung cấp oxy khắp cơ thể, bao gồm cả lưu thông ở da đầu.
- Vitamin A: Bên cạnh việc giúp duy trì xương, da và răng khỏe mạnh, vitamin A còn được biết đến với tác dụng kích hoạt tế bào gốc nang lông. Vitamin A giúp tạo ra bã nhờn (một chất nhờn giúp giữ ẩm cho da đầu và giữ cho tóc khỏe mạnh).
- Biotin: Biotin hoặc vitamin B7 được cho là giúp tăng cường sự phát triển của tóc bằng cách làm phong phú cấu trúc keratin của tóc. Để có được biotin, hãy thực hiện chế độ ăn nhiều thịt, trứng, các loại hạt và các sản phẩm từ sữa.
- Axit folic: Axit folic là một loại vitamin rất quan trọng cho việc tạo ra sự phát triển của tế bào trong các mô da cũng như ở móng tay và tóc. Axit folic cũng giúp giữ cho các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó có thể thu được thông qua các loại rau lá xanh, trái cây, các loại hạt, thịt, thịt gia cầm và đậu.
- Chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa là những hợp chất chống lại tổn thương do oxy hóa và liên quan đến căng thẳng gây ra rụng tóc. Các chất như kẽm, vitamin A và E, selen và vitamin C có thể được phân loại là chất chống oxy hóa. Các loại thực phẩm như thực vật, trái cây, rau và ngũ cốc cung cấp các hợp chất an toàn và lành mạnh hơn so với các chất bổ sung.
- Axit amin và protein: Thiếu hụt protein dẫn đến rụng tóc và làm tóc mỏng đi. Axit amin hỗ trợ một số chức năng của cơ thể bao gồm sửa chữa mô, điều hòa hormone, tăng cường sức khỏe miễn dịch, phá vỡ thức ăn và mọc tóc.
- Đối với những người mắc các bệnh lý liên quan đến hấp thu hoặc dùng thuốc điều trị làm cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng này có thể bị thiếu, cần bổ sung theo chỉ định của bác sĩ, để tránh dùng thừa.
- Khi dùng thừa một số loại vitamin và khoáng chất cũng lại là nguyên nhân gây rụng tóc.
Mời độc giả xem thêm video:
Bác Sĩ Chia Sẻ Cách Chăm Sóc Da Cho Ngày Hè Đơn Giản Và Hiệu Quả | SKĐS