Cholesterol có lợi cho sức khỏe, nhưng quá nhiều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.
Một loại thuốc mới có tên MK-0616, hoạt động bằng cách ức chế protein PCSK9 ở mức độ thấp hơn, sẽ giúp gan phân hủy cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol xấu.
Chất ức chế PCSK9 đã từng là phương pháp điều trị giảm cholesterol, nhưng thường ở dạng tiêm dưới da, hoặc liệu pháp gen. Thử nghiệm mới đã tiền hành xem xét hiệu quả của MK-0616 như một chất ức chế PCSK9 đường uống.
Hơn 380 người tham gia nghiên cứu, đều có mức cholesterol LDL cao và tiền sử bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Họ được phân ngẫu nhiên vào các nhóm, nhận giả dược hoặc MK-0616 ở bốn liều khác nhau: 6 mg, 12 mg, 18 mg hoặc 30 mg.
Những người tham gia dùng thuốc hàng ngày trong 8 tuần rồi dừng lại. Các nhà nghiên cứu đo mức cholesterol LDL của họ trước và sau thời gian thử nghiệm, sau đó tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ trong 8 tuần nữa.
Kết quả, những người tham gia dùng bất kỳ liều lượng nào của thuốc đều cho thấy mức cholesterol LDL giảm đáng kể so với giả dược. Những người dùng liều 30 mg thấy giảm hơn 60%, 18 mg giảm 59%, 12 mg giảm 55% và 6 mg giảm 41%. Các dấu ấn sinh học khác của cholesterol xấu như một loại protein gọi là ApoB, cũng giảm. Điều quan trọng là nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về các tác dụng phụ bất lợi ở bất kỳ liều lượng nào.
Mặc dù cần có các thử nghiệm tiếp theo để nghiên cứu chi tiết hơn về MK-0616, nhưng nhóm các nhà khoa học cho biết, loại thuốc này sẽ là vũ khí hứa hẹn trong các chiến lược chăm sóc sức khoẻ tim mạch. Hơn nữa, ở dạng thuốc uống, nên có thể giúp bệnh nhân dễ dàng sử dụng hơn cũng như giảm chi phí.
GS. TS Christie M. Ballantyne, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh Chuyển hóa tại Đại học Y Baylor, và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Đây là một hợp chất có hiệu quả cao được dung nạp tốt. MK-0616 có thể đưa ra một lựa chọn tiềm năng khác so với statin và các liệu pháp khác mà chúng ta có để điều trị mỡ máu cao.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải