Từ ca đầu tiên COVID-19 được phát hiện vào tháng 12/2019 đến khi dịch COVID-19 lan ra toàn cầu trong gần 2 năm nay, chúng ta đã chứng kiến những ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch này lên sức khỏe con người cũng như nền kinh tế.
Hơn 190 triệu người nhiễm bệnh, hơn 4 triệu người tử vong làm ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ xã hội hiện nay. Tại Việt nam, chúng ta đã có 4 đợt dịch với 55.845 ca mới mắc với 254 ca tử vong.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rõ ràng đến nguồn lực địa phương và quốc gia, tác động đến mỗi người dân theo những cách khác nhau. Đặc biệt nó cũng ảnh hưởng tiêu cực lên chăm sóc sức khỏe tim mạch tại nước ta.
Khoảng 10-20% bệnh nhân COVID-19 bị các tổn thương về tim mạch
Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy khoảng 10-20% bệnh nhân COVID-19 bị các tổn thương về tim mạch. Những bệnh nhân tim mạch khi bị COVID-19 sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn những bệnh nhân khác. Nhưng những ảnh hưởng gián tiếp của nó lên chăm sóc sức khỏe tim mạch cũng rất đáng kể. Sự giảm sút chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch được thấy rõ.
TS.BS Phạm Như Hùng chuẩn bị thực hiện ca can thiệp tim mạch cho người bệnh
Chúng tôi cũng đã thấy sự giảm sút các tiêu chuẩn trong điều trị bệnh tim mạch. Các khuyến cáo hiện nay trong nghành Y nhấn mạnh chống lại sự lây lan của COVID-19 là quan trọng nhất và điều này đã làm ảnh hưởng lên cơ hội điều trị của bệnh nhân Tim mạch.
Khi có các ca COVID-19 tại các bệnh viện, nhiều bệnh viện đã phải cách ly khoa phòng thậm trí phong tỏa toàn bộ Bệnh viện để tránh lây lan dịch bệnh. Năm ngoái khi phong tỏa bệnh viện Bạch mai vì dịch chúng ta đã cách ly rất nhiều các bác sĩ Tim mạch có trình độ cao tại đây. Khi chúng ta cách ly một bệnh viện vì các ca COVID-19, toàn bộ bác sĩ Tim mạch tại đây cũng đã phải cách ly cùng.
Bình thường khi không có dịch và không bị cách ly, nhiều bác sĩ hàng đầu của chúng tôi đi giúp các tuyến tương trợ về chuyên môn cũng như giúp làm các khó. Điều này đã không thể thực hiện khi dịch xảy ra, đặc biệt ở những vùng đang có dịch.
Cách ly xã hội khi có dịch cũng làm nhiều bệnh nhân đã không thể đến khám ở các Bệnh viện. Thậm chí ở những vùng cách ly, thiếu các thuốc Tim mạch thiết yếu đã xảy ra. Để giảm thiểu điều này, một số bệnh viện đã cử các đoàn để phát thuốc ở những vùng cách ly do có dịch. Tuy nhiên, khi các vùng cách ly còn ít như 3 đợt dịch đầu chúng ta mới có thể đủ nguồn lực làm điều này. Hiện nay, khi đợt dịch 4 rất nặng nề điều này không còn khả thi nữa.
Nhiều bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng bệnh mà không đến khám kịp thời
Lo lắng về tình hình dịch bệnh, rất nhiều bệnh nhân đã ở nhà và dùng theo các đơn thuốc cũ. Khi dịch bệnh, các đơn thuốc bảo hiểm y tế cũng được khuyến cáo nên kê thuốc dài ngày hơn cho bệnh nhân.
Những bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ như sau mổ thay van tim hay sau can thiệp động mạch vành sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến nhiều tâm lý của bệnh nhân. Khi có đợt dịch, họ thường đến khám ít hơn so với thường ngày. Con số bệnh nhân đến khám ở các phòng khám tim mạch giảm ít nhất là trên một nửa so với bình thường.
Bệnh nhân thường đến chúng tôi trong thời kỳ này hầu hết là đã nặng nề. Khi bệnh nhân nặng đến viện sẽ làm điều trị khó khăn hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Chưa kể đến điều này sẽ làm tăng thời gian nằm viện, làm tăng cao chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Lo lắng vì dich bệnh, cũng làm nhiều bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng của mình mà không đến khám kịp thời. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã đến bệnh viện muộn hơn so với bình thường do lo lắng về dịch bệnh. Điều này có thể làm mất đi cơ hội cũng như có thể đạt được hiệu quả điều trị cho những bệnh nhân này.
Như vậy, COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe Tim mạch tại Việt nam. Bệnh nhân thường đến bệnh viện muộn hơn, theo dõi không được chặt chẽ và bệnh thường sẽ nặng hơn.