Khi sỏi từ túi mật di chuyển vào ống mật chủ sẽ làm tắc nghẽn ống mật chủ, gây ra viêm đường mật hoặc viêm tụy. Vậy khi mắc sỏi mật có phải phẫu thuật không là thắc mắc của nhiều người bệnh. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phân loại sỏi túi mật
Sỏi túi mật được chia làm 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố:
- Sỏi cholesterol được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol có trong dịch mật. Loại sỏi này thường gặp ở các nước phương Tây, chiếm 80 - 85%. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sỏi cholesterol chỉ chiếm 30 - 50% các trường hợp. Loại sỏi này thường gặp ở người béo phì, phụ nữ gặp nhiều gấp hai nam giới.
- Sỏi sắc tố thường do nguyên nhân nhiễm khuẩn đường mật, các bệnh gây tán huyết, xơ gan, viêm hoặc đã cắt đoạn hồi tràng (phần cuối của ruột non).
Đau quặn từng cơn vùng hạ sườn cảnh giác với sỏi túi mật
Theo nghiên cứu tại các nước công nghiệp có 10 - 15% nam và > 25% nữ mắc bệnh sỏi túi mật, đa số các trường hợp bệnh nhân có sỏi túi mật không có triệu chứng. Tại Việt Nam tỉ lệ sỏi túi mật ngày càng tăng so với sỏi đường mật. Đặc biệt là tại các thành phố lớn nhiều bệnh nhân phát hiện sỏi túi mật khi đi khám sức khỏe định kỳ và thường thắc mắc về các phương pháp điều trị sỏi túi mật.
Bệnh nhân sỏi túi mật sẽ có triệu chứng đau quặn từng cơn vùng hạ sườn phải hoặc vùng trên rốn.
Thường khởi phát đột ngột và chấm dứt trong vòng vài phút đến vài giờ, mức độ đau nhiều ngay từ lúc khởi phát, sau đó đau duy trì trong một thời gian rồi giảm dần.
Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn thịnh soạn vào buổi chiều, thức ăn giàu chất béo thường gây đau, tuy nhiên, bất cứ thức ăn nào cũng có thể khởi phát cơn đau quặn mật. Cơn đau thường tái phát nhiều lần.
Một số người bệnh khi mắc sỏi sẽ bị sốt do sỏi gây tắc nghẽn đường mật. Ở trường hợp nặng, khi sỏi gây tắc nghẽn ống mật chủ hoặc gây viêm nhiễm, da và mắt (phần màu trắng) của bệnh nhân sẽ chuyển sang màu vàng. Một số người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn và nôn mửa.
Chẩn đoán sỏi túi mật bằng cách nào?
Ngoài biểu hiện lâm sàng thì hiện nay siêu âm ổ bụng được xem là phương tiện để chẩn đoán sỏi túi mật, khả năng chẩn đoán đúng sỏi túi mật của siêu âm là 90 - 95%.
Chụp cắt lớp (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được. Ngoài ra, các xét nghiệm máu giúp xác định chức năng gan, tình trạng cholesterol máu.
Khi nào cần điều trị sỏi túi mật?
Hàng năm chỉ 1 - 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng. Một số (< 0,5% mỗi năm) diễn tiến từ sỏi túi mật không triệu chứng đến giai đoạn biến chứng mà không trải qua giai đoạn có triệu chứng.
Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…
Sỏi túi mật có thể được chỉ định phẫu thuật đối với những trường hợp sau:
Trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng cơn đau quặn mật nên được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật. Đối với bệnh nhân đã có triệu chứng nhẹ, mỗi năm có 1 - 3% xuất hiện biến chứng, đối với những bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn hoặc tái phát nhiều lần, mỗi năm có 7% xuất hiện biến chứng - trong thời gian chờ phẫu thuật, bệnh nhân cần thay đổi lối sống và nên kiêng chất béo.
Trường hợp bệnh nhân có cơn đau quặn mật nhưng khi siêu âm không thấy có sỏi mà chỉ có bùn mật: Nếu bệnh nhân có cơn đau quặn mật tái phát nhiều lần và đồng thời siêu âm có bùn mật thì vẫn có chỉ định điều trị cắt túi mật.
Theo các nghiên cứu có khoảng 20% bệnh nhân sỏi túi mật không triệu chứng trở nên có triệu chứng hoặc biến chứng cần điều trị bằng phẫu thuật. Thông thường không nên cắt túi mật dự phòng khi bệnh nhân sỏi túi mật chưa có triệu chứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao có thể xét chỉ định cắt túi mật dự phòng như: Thiếu máu tán huyết, thành túi mật dày hoặc có vôi hóa, sỏi ≥ 2,5 cm, có nhiễm trùng nặng do bệnh miễn dịch, sắp được phẫu thuật ghép tạng…
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi hiện là lựa chọn tiêu chuẩn cho bệnh nhân sỏi túi mật có triệu chứng. Các ưu điểm của phẫu thuật cắt túi mật nội soi so với phẫu thuật mở là thẩm mỹ, ít đau, tỉ lệ biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn, thời gian làm việc trở lại sớm.