Sỏi túi mật là những cục nhỏ xuất hiện từ mật đã kết tinh. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol. Còn ở Việt Nam đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột. Ngày nay, sỏi túi mật ở trẻ em gặp phổ biến hơn, tỉ lệ mắc ở trẻ nam so với trẻ nữ như nhau. Tỉ lệ mắc cao hơn ở những trẻ béo phì, thường gặp trên những trẻ có bệnh lý về huyết học gây tán huyết.
Sỏi túi mật có thể nhỏ vài milimet hoặc lớn vài centimet, có hình tròn, bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Có khi bệnh nhân chỉ có một vài sỏi nhưng có người bị rất nhiều sỏi.
Dấu hiệu sỏi túi mật ở trẻ em
Theo số liệu thống kê, đa số trẻ em mắc sỏi túi mật nhưng không có triệu chứng. Ở những bệnh nhân có triệu chứng thì xuất hiện một số dấu hiệu như:
Đối với trẻ nhỏ, đôi khi sỏi mật không gây ra triệu chứng hoặc khó xác định triệu chứng do trẻ còn nhỏ. Phổ biến nhất là đau bụng đặc biệt sau bữa ăn khiến trẻ quằn quại oằn mình, khóc không rõ nguyên nhân. Có nhiều trường hợp trẻ buồn nôn và nôn có thể xảy ra khiến trẻ trớ sữa, thức ăn. Nhưng tỷ lệ trẻ nhỏ mắc sỏi mật là hiếm nên cha mẹ không cần phải quá lo lắng.
Đối với những trẻ đã lớn, có thể tả lại cảm giác của bản thân thì những triệu chứng dưới đây giống với triệu chứng do sỏi túi mật gây nên:
- Trẻ bị đau bụng.
- Cơn đau trải ra phía sau hoặc giữa xương bả vai.
- Cơn đau như chuột rút, cơn đau ngừng rồi sau đó đau lại sau mỗi bữa ăn.
- Sau khi ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ hay thức ăn béo trẻ thấy cơn đau mạnh mẽ hơn.
- Trẻ buồn nôn, nôn.
- Trẻ sốt, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi.
- Vàng da, vàng mắt
Theo thống kê, có 4 loại sỏi mật ở trẻ em thường thấy đó là:
- Sỏi sắc tố đen: Chiếm gần 50% sỏi mật ở trẻ em. Chúng được hình thành khi mật trở nên bão hòa với canxi bilirubin và thường được hình thành trong một số rối loạn máu.
- Sỏi cholesterol: Chiếm khoảng 25% ở trẻ em (tỷ lệ này ở người lớn là 75%).
- Sỏi canxi cacbonat: Chiếm khoảng 25% sỏi mật ở trẻ em (hiếm gặp ở người lớn).
- Sỏi mật protein: Khoảng 5% trẻ em bị.
Biến chứng của sỏi túi mật
Sỏi túi mật có thể gây ra các biến chứng bao gồm:
- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.
- Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.
- Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.
- Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật. Bệnh diễn tiến âm thầm, thường chẩn đoán trễ.
Sỏi túi mật được lấy ra từ bệnh nhi.
Tóm lại: Sỏi túi mật ở trẻ là bệnh lý ít gặp. Việc điều trị hiện nay cũng thuận lợi, đối với trường hợp sỏi túi mật có kích thước nhỏ < 20mm và không kèm theo triệu chứng hay biến chứng thì chỉ cần theo dõi.
Bệnh nhi cần can thiệp phẫu thuật khi: Sỏi túi mật kích thước lớn. Kèm theo các biến chứng: viêm túi mật cấp, viêm phúc mật mật, nhiễm khuẩn đường mật… Sỏi túi mật ở những trẻ có bệnh lý nền về máu.
Ngày nay với y học hiện đại và tiên tiến thì phẫu thuật nội soi được áp dụng nhiều. Phẫu thuật nội soi đem lại hiệu quả cao so với mổ hở: Giảm biến chứng nhiễm trùng vết mổ; Thời gian phẫu thuật nhanh trung bình khoảng 20-30 phút; Quan sát rõ tổng thể; Tính thẩm mỹ với đường mổ nhỏ….
Vì vậy, trẻ được chẩn đoán sỏi túi mật cha mẹ cũng không nên quá lo lắng và cũng không được chủ quan. Việc cần theo dõi, tái khám và đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện bất thường như: Trẻ có dấu hiệu đau bụng vùng trên phải; Sốt kèm đau bụng, đôi khi thấy trẻ da vàng; Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác: buồn nôn, nôn…
Bệnh nhi N.T.T.T. (9 tuổi, ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu do nôn và đau bụng nhiều. Theo thông tin từ gia đình, trước đó khoảng vài tháng, bé có than đau bụng quanh rốn sau đó tái đi tái lại nhiều lần; ăn uống kém… Gia đình đã đưa đi điều trị tại bác sĩ tư ở địa phương, bác sĩ có siêu âm chẩn đoán sỏi mật và được điều trị ngoại trú, uống thuốc theo toa. Về nhà bé đau bụng nhiều, nôn ói nên gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Qua thăm khám, tình trạng bệnh đau bụng quanh rốn, bụng ấn đau quanh rốn, chướng hơi nhẹ. Chụp cắt lớp vi tính bụng thấy túi mật to, lòng có nhiều sỏi đường kính 5mm. Xét nghiệm máu và điện di, bé có bệnh lý Hemoglobin kèm theo.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có viêm túi mật cấp, nhiều sỏi túi mật. Trường hợp này rất hiếm gặp ở trẻ em, cần phát hiện xử lý sớm tránh tình trạng khi túi mật viêm, căng to lúc phẫu thuật hoặc khi sỏi rơi lọt vào đường mật gây ra tình trạng viêm và tắc nghẽn đường mật cấp tính.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi, hướng xử trí nhanh tránh các biến chứng xảy ra. Sau đó bác sĩ lấy ra rất nhiều viên sỏi nhỏ trong túi mật của bệnh nhi. Sau phẫu thuật bé ăn uống tốt, hết đau bụng, không sốt.