Cách phân biệt rắn độc và rắn không độc
Tùy theo từng loại rắn cắn nạn nhân sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau. Nếu vết cắn do nhóm rắn hổ thì tại vết cắn nạn nhân sẽ bị đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm khuẩn, sưng đỏ, sốt, có mủ... Nhưng nếu do rắn cạp nia, cạp nong cắn thì ở vết rắn cắn không có gì đặc biệt.
Triệu chứng toàn thân thường thấy là bệnh nhân bị đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, tiểu ít… dễ tàn phế hoặc tử vong do liệt các cơ hô hấp.
Rắn độc có 2 họ, đó là rắn hổ và rắn lục. Cách phân biệt rắn có độc và rắn không độc như sau:
- Rắn có độc: Đây là loại rắn nguy hiểm và thường gây ra các hiện tượng phản ứng ngay lập tức hoặc để vài giờ bệnh nhân sẽ có triệu chứng miệng bị cứng lại, mắt mờ, ứ đọng đờm nhớt, nôn ra máu. Vết thương có thể sẽ thấy 2 vết răng nanh, mỗi vết răng cách nhau khoảng 5mm và một số vết răng nhỏ.
- Rắn không độc: Không gây ra phản ứng cho nạn nhân. Nhìn vào vết cắn thấy 2 hàm răng với những chấm nhỏ, có hình vòng cung và đặc biệt không có răng nanh.
Dấu hiệu bị rắn độc cắn là gì?
Triệu chứng khi bị rắn độc cắn bao gồm:
- Vết cắn gây đau.
- Tại vết cắn bị sưng, tấy đỏ và bầm tím, lan ra xung quanh vết bị rắn cắn.
- Buồn nôn, tiếp theo là nôn mửa.
- Có thể có tiêu chảy.
- Nổi các cục u ngứa trên da (phát ban hoặc mề đay).
- Sưng môi, lưỡi và nướu.
- Khó thở hay thở khò khè, tương tự như bệnh hen suyễn.
- Tinh thần lú lẫn, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Nhịp tim không đều.
- Nếu bị nhóm rắn hổ cắn: Các loại rắn như hổ mang, rắn ráo… (loại Colubridae) có độc tố thần kinh. Chỗ rắn cắn sẽ bị đau, chân sẽ bị tê bại, mệt mỏi cao độ, buồn ngủ, muốn ngất, nấc, nôn, rối loạn cơ tròn… Tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay. Mạch yếu, huyết áp hạ, khó thở, hôn mê... rồi tử vong sau 6 giờ.
- Triệu chứng của rắn lục cắn: Rắn lục (loại Vipéridae) có độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị rắn cắn đau dữ dội, da đỏ bầm, có những đám xuất huyết, chỗ bị rắn cắn sẽ bị phù (sau dễ bị hoại tử). Sau 30 phút tới 1 giờ sẽ bị nôn, đi ngoài phân lỏng, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, ngất xỉu...
Ngoài ra, khi bị rắn lục cắn sẽ gây chảy máu rất nhiều, đến mức bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài ra máu, nếu nhận biết đúng là rắn lục cắn và được sử dụng kháng huyết thanh ngay khi vừa vào viện, chỉ cần dùng khoảng 10 lọ huyết thanh là người bệnh không còn tình trạng chảy máu ồ ạt nữa.
- Nhóm rắn cạp nia sau cắn bao giờ người bệnh cũng thấy đau rát họng, khó há miệng, chân tay không nhấc lên được, sau dần mới dẫn đến liệt cơ chi, liệt cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp cấp…
- Nếu bị rắn hổ chúa cắn thì nạn nhân sẽ rất đau, có phù nề tại chỗ cắn, nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi.
- Rắn biển cắn thì các triệu chứng bị liệt sẽ giống như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia cắn, bệnh nhân sẽ bị liệt cơ, tan máu…
Làm thế nào để không bị rắn độc cắn?
Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công. Nếu đã bắt được rắn thì chụp ảnh rắn lại hoặc mang rắn chết cùng đến cơ sở y tế.
Cần bất động chi bị cắn bằng dây đeo, thanh gỗ hoặc thanh kim loại (cử động hoặc co cơ sẽ làm gia tăng hấp thu nọc rắn).
Phương pháp băng ép – bất động:
Đây là phương pháp làm chậm sự hấp thu nọc rắn từ vết cắn, tốt nhất dùng băng thun rộng khoảng 10 cm, dài khoảng 4,5 m, nếu không có thì có thể dùng bất cứ cuộn vải nào có sẵn. Quấn chặt quanh toàn bộ chi bị cắn bắt đầu từ ngón tay hoặc ngón chân đi lên, sau đó quấn luôn cả thanh gỗ hoặc kim loại cố định chi bị cắn.
Băng được quấn chặt như những trường hợp bị bong gân, nhưng không quá chặt đến độ mất hết mạch ngoại vi.
Không được mở băng cho đến khi nạn nhân được chở đến cơ sở y tế có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu. Phương pháp này áp dụng cho nạn nhân của các loại rắn có độc tố tác động trên hệ thần kinh (rắn biển, rắn hổ, cạp nong, cạp nia).
- Tránh bất cứ can thiệp nào (trích, rạch, trâm, chọc) tại vết cắn, vì có thể gây nhiễm trùng, gia tăng hấp thu nọc độc, tăng chảy máu vết cắn. Không nên hút nọc độc vì không có lợi ích gì.
- Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo có thể gây nhiễm trùng, gây hại cho nạn nhân.
- Không được garo chi bị cắn, vì sẽ không đem lại hiệu quả mà còn làm tắc động mạch, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Sau khi sơ cứu thì nạn nhân phải được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế một cách an toàn và dễ chịu nhất trong điều kiện có sẵn, tránh để nạn nhân cử động, nhất là chi bị cắn, vì điều này sẽ làm tăng hấp thu độc tố vào máu. Nạn nhân phải được khiêng hoặc chở bằng xe, không để tự đi.
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.