Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 27 tuổi, trú tại Bảo Lâm, Cao Bằng nhập viện do bị rắn độc cắn ngày thứ 3.
Theo lời kể bệnh nhân, khoảng 12h ngày 7/6, bệnh nhân đi phát cỏ ở vườn nhà bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay phải. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân đau nhức, sưng nề bầm tím và lan lên cẳng, cánh tay, bệnh nhân không đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay mà dùng lá cây (được người khác mách bảo) đắp vào vết cắn.
Sau đắp thuốc hơn một ngày, xuất hiện đau nhức, sưng nề, vùng tím đen lan rộng người nhà mới đưa bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm và chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng mệt mỏi nhiều, đau nhức vùng cánh tay phải, toàn bộ cánh, cẳng, mu bàn tay phải sưng to bầm tím, có đám hoại tử thâm đen, rỉ dịch hôi thối.
Tay của bệnh nhân sưng to bầm tím, có đám hoại tử thâm đen, rỉ dịch hôi thối. Ảnh: BSCC.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: Theo dõi hoại tử bàn cánh tay phải/rắn cắn ngày thứ 3. Các bác sĩ của Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hội chẩn với các khoa liên quan và được chỉ định mổ cắt lọc, giải tỏa chèn ép khoang. Sau mổ bệnh nhân được chuyển về điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị rắn cắn, người dân không nên cố hút nọc độc tại vùng vết thương, không sử dụng các loại thuốc dân gian hoặc chữa bằng mẹo. Việc làm này không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị. Việc cần làm là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không để nọc độc phát tán.
Để tránh bị rắn cắn, người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần sử dụng ủng, giày cao cổ và quần dài, không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.
Sai lầm trong sơ cứu có thể khiến bệnh nhân bị rắn cắn tiên lượng xấu hơn
Theo PGS.TS. Phạm Duệ, Nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những sai lầm trong sơ cứu và những xử trí ban đầu chưa đúng có thể khiến bệnh nhân bị rắn cắn diễn tiến bệnh nặng và tiên lượng xấu hơn.
PGS. TS. Phạm Duệ cho biết, mùa hè là mùa rắn đi tìm thức ăn, do đó các ca ngộ độc do bị rắn cắn cũng tăng hơn trong thời gian này. Lời khuyên của bác sĩ đối với người bị rắn cắn là bệnh nhân cần được sơ cứu ngay trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế. Mục đích chính của sơ cứu là để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Mục đích thứ 2 là loại bỏ bớt độc chất được chút nào hay chút ấy.
Đầu tiên cần động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân chạy nhảy, đi lại làm nọc phát tán nhanh (nhất là trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm).
Ngay sau khi bị rắn cắn cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch.
Người bệnh nên nặn, rửa máu dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc. Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp.
Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.