Hà Nội

Cảnh giác kẻo rắn cắn

18-06-2015 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, tỷ lệ người bị rắn cắn mỗi năm tăng cao và nhiều trường hợp tử vong.

Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, tỷ lệ người bị rắn cắn mỗi năm tăng cao và nhiều trường hợp tử vong. Nhất là vào mùa hè rắn đi tìm kiếm thức ăn. Trường hợp mới đây nhất là bé N.V.P., 28 tháng tuổi, được chuyển từ Bệnh viện Bình Thuận vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) và tử vong sau 2 ngày do nhiễm độc quá nặng. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, những sai lầm trong sơ cứu và những xử trí ban đầu chưa đúng đã góp phần làm diễn tiến bệnh nặng và tiên lượng xấu hơn đối với bệnh nhân bị rắn cắn.

Ở nước ta có 135 loài rắn, trong đó rắn độc khoảng 32 loài. Rắn độc có 2 họ, đó là rắn hổ và rắn lục. Mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau, rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay, người bệnh dễ gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận.

Khi bị rắn độc cắn thường đau dữ dội và thường để lại dấu vết của răng (móc độc). Nếu bị rắn hổ mang cắn, tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay. Rắn lục cắn, vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết nhiều nơi, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân... Rắn hổ chúa cắn nạn nhân rất đau, có phù nề tại chỗ cắn rất dữ dội nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi. Bị rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn thì sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó nói, khó thở, liệt chi và liệt cơ hô hấp dẫn đến ngừng thở, ngừng tim, tử vong...

Rắn biển cắn cũng có thể gây ra các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, bệnh nhân bị liệt cơ, tan máu...

Nguyễn Khánh

 

Lời khuyên của thầy thuốc

PGS.TS. Phạm Duệ khuyến cáo: Khi bị rắn cắn , không cố đi tìm thầy lang thuốc lá làm lãng phí “thời gian vàng” đi đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Vì nếu là rắn độc cắn, bệnh nhân cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài gây tốn kém hàng trăm triệu đồng và để lại di chứng như phải tháo khớp chi bị cắn...

Để phòng tránh rắn cắn, mọi người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm. Các gia đình cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, mùa màng thu hoạch và ban đêm. Nếu đi ra vườn, ruộng, nên đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối. Đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, mắc võng ngủ ngoài vườn. Cần hướng dẫn để ý đến trẻ em, không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

 

Xem tiếp bài sau: Xử trí đúng khi bị rắn cắn

Vào ngày 19/6/2015

 

 


Ý kiến của bạn