Bác sĩ chỉ cách phòng ngừa và sơ cứu rắn cắn

15-05-2023 06:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nếu không được sơ cứu kịp thời, hay sử dụng thuốc nam để chữa trị, bệnh nhân bị rắn cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Việt Nam nằm trong khu vực có nhiều rắn độc.  Ở nước ta có khoảng 70 loài rắn độc. Hiện nay có rất nhiều thói quen dẫn tới việc bị rắn độc cắn, người dân cần hết sức lưu ý để phòng tránh.

Cách phòng ngừa rắn cắn

Làm sao để không bị rắn cắn? Phần lớn người dân rất hay chủ động bắt rắn với mục đích như sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu. Hầu hết các trường hợp rắn cắn do chủ động bắt rắn. Vì vậy khi thấy rắn người dân không nên bắt. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng gậy đuổi đánh. Người dân tuyệt đối không nên chạm, tiếp xúc trực tiếp với rắn. Kể cả rắn đã chết, bởi có những trường hợp rắn chết rồi vẫn còn độc.

Khi lao động, người dân cần chú ý sử dụng dụng cụ lao động, hạn chế trực tiếp dùng tay. Đặc biệt là tay không. Nếu có thể người dân nên sử dụng găng tay, đi ủng. Đồng thời quan sát kỹ bụi cây, cỏ, hang hốc… nên dùng đèn hoặc dụng cụ để thăm dò trước. Ngoài ra cần lưu ý các vị trí rắn hay lui tới trú ẩn như hang hốc, đống gạch, gỗ, khe…

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo cách sơ cứu sai khi bị rắn cắn. 

Làm gì khi bị rắn cắn

Cách sơ cứu người bị rắn cắn. Có rất nhiều biện pháp sơ cứu cho nạn nhân rắn cắn. Tuy nhiên hầu hết các biện pháp sơ cứu này cho tới nay đều không có tác dụng và thậm chí có thể gây hại.

Hiện nay, có những loại rắn độc cắn có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng nhanh chóng. Như rắn cạp nong, cạp nia, một số loại rắn hổ mang và rắn biển. Biện pháp sơ cứu có thể áp dụng là hạn chế vận động của bệnh nhân. Cố gắng vận chuyển nạn nhân bằng phương tiện vận chuyển hoặc có người khiêng. Tuyệt đối không được để nạn nhân tự đi lại di chuyển. Mục đích nhằm hạn chế vận động vùng bị cắn làm nọc độc về cơ thể chậm hơn.

Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp khác như băng ép toàn bộ vùng tay, chân bị cắn bằng chun giãn. Một số trường hợp có thể sử dụng băng garo tĩnh mạch. Mục đích nhằm hạn chế cho máu không trở về tim trong một thời gian ngắn, nhất định. Tuyệt đối không được băng quá chặt. Đồng thời cần đưa bệnh nhân bằng phương tiện vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. 

Có một số biện pháp không nên áp dụng, làm nặng thêm tình trạng bệnh nhân rắn cắn. Ví dụ như trích rạch vết rắn cắn, đặc biệt là với vết cắn của rắn lục sẽ gây chảy máu vô cùng nguy hiểm. Hoặc sơ cứu bằng cách nặn vết rắn cắn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Mùa mưa, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa và sơ cứu rắn cắn - Ảnh 1.

Vết rắn cắn bị hoại tử do tự ý sử dụng thuốc nam.

Ngoài ra còn một số biện pháp khác cần tránh đó là sử dụng các phương thuốc y học cổ truyền. Đối với trường hợp rắn cắn, các phương thuốc y học cổ truyền không có tác dụng. Không nên làm mất thời gian của bệnh nhân bị rắn cắn, như vậy sẽ làm bệnh diễn biến nặng lên, nọc độc vào trong cơ thể sâu hơn, dễ dẫn tới tổn thương hoại tử không hồi phục. Thậm chí nhiều trường hợp không cấp cứu kịp thời dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Ở miền Bắc, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian mưa nhiều. Lúc này rắn dễ hoạt động, ra ngoài kiếm ăn. Cùng với đó cũng có nhiều trường hợp bị rắn cắn hơn so với các thời điểm khác trong năm. 

Hiện nay các loại thuốc giải độc rắn cắn ở Việt Nam có các loại cho rắn hổ mang, rắn lục đuôi đỏ. Với rắn cạp nong cạp nia, tỷ lệ gặp không nhiều nhưng tình trạng bệnh thường nặng, dễ dẫn tới gặp khó khăn trong điều trị. Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang phối hợp cùng một số bệnh viện khác để thực hiện đề tài cấp nhà nước về thuốc giải độc rắn cắn cho người dân.

Trước đó ngày 8/5, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn. Nam bệnh nhân cho biết làm nghề bắt rắn, ngày 7/5, trong lúc chuyển chuồng cho rắn, không dùng đồ bảo hộ và bị rắn hổ mang cắn vào tay. Bệnh nhân dùng thuốc nam của một thầy lang chuyên chữa rắn cắn trong vùng bằng cách dùng lá tươi giã lấy nước uống và đắp lên vết cắn. Hơn một ngày sau, bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do sử dụng thuốc nam và nhập viện muộn, phần vết cắn trên tay của bệnh nhân đã hoại tử.


TS.BS Nguyễn Trung Nguyên
Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn