Xử trí đúng khi bị rắn cắn

19-06-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo PGS.TS. Phạm Duệ, nếu bị rắn cắn, bệnh nhân cần sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Theo PGS.TS. Phạm Duệ, nếu bị rắn cắn, bệnh nhân cần sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Mục đích chính của sơ cứu là để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Mục đích thứ hai là loại bỏ bớt độc chất được chút nào hay chút ấy.

Hình ảnh tổn thương khi bị rắn lục cắn.

Đầu tiên cần động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng, không để bệnh nhân chạy nhảy, đi lại làm nọc phát tán nhanh (nhất là trẻ nhỏ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm).

Ngay sau khi bị rắn cắn, cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc; không garô động mạch. Có thể dùng miệng hút máu vết cắn nhổ đi nhưng nếu tại miệng, răng có tổn thương, nứt môi, viêm chân răng thì lại không được dùng miệng hút). Tiếp đến nên nặn, rửa vết rắn cắn dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu với nhiều nước để loại trừ bớt nọc độc. Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp. Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị thích hợp.

Kỹ thuật băng ép và bất động:

Dùng băng chun giãn (loại băng màu hồng, rộng bản và có độ chun giãn tốt có bán ở hiệu thuốc) băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng). Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay.

Đối với vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay cần băng ép bàn tay, cẳng tay: Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay. Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân. Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Đối với vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân. Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Trong trường hợp không có băng chun thì dùng băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo hoặc dây rừng, dây cao su... nhưng khi đó phải thực hiện garo tĩnh mạch ở trên vết cắn (còn sờ thấy mạch máu đập ở phía dưới garo).

Nguyễn Khánh

 

Lời khuyên của thầy thuốc

PGS.TS. Phạm Duệ khuyến cáo: Khi bị rắn cắn, không cố đi tìm thầy lang thuốc lá làm lãng phí “thời gian vàng” đi đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Vì nếu là rắn độc cắn, bệnh nhân cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài gây tốn kém hàng trăm triệu đồng và để lại di chứng như phải tháo khớp chi bị cắn...

Để phòng tránh rắn cắn, mọi người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm. Các gia đình cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, mùa màng thu hoạch và ban đêm. Nếu đi ra vườn, ruộng, nên đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối. Đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, mắc võng ngủ ngoài vườn. Cần hướng dẫn để ý đến trẻ em, không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn