Nguyên nhân gây khó thở
Khó thở do nhiều bệnh gây ra, trong đó nguyên nhân đơn thuần có thể do thể trạng sức khỏe kém hoặc khó thở xảy ra đột ngột không rõ nguyên nhân, xảy ra khi dọn đồ hoặc nâng vật nặng. Một số người mắc bệnh hô hấp cũng có thể cảm thấy khó thở, dù chỉ thực hiện các hoạt động bình thường như lấy ghế ra hoặc đi qua một phòng khác.
Tuy nhiên, khó thở cũng có thể do các bệnh lý như: Bệnh phổi, bệnh tim, thiếu máu (số lượng hồng cầu ít). Đối với các bệnh lý có thể gây khó thở và bất kỳ một hoặc một sự kết hợp có thể dẫn đến cơn khó thở đột ngột. Ví dụ, khó thở rất thường gặp trong các bệnh phổi như COPD, khí phế thũng, hen suyễn, bệnh phổi mô kẽ, tăng huyết áp phổi và xơ nang phổi.
Cơn khó thở có thể xảy ra khi bệnh phổi không được kiểm soát hoặc khi bệnh trở nặng. Bệnh tim, đặc biệt là suy tim, cũng có thể gây ra cơn khó thở.
Ung thư khởi phát từ phổi hoặc lan đến phổi, ung thư nặng có thể gây ra cơn khó thở. Bất kỳ bệnh cơ hoặc bệnh thần kinh nào ảnh hưởng đến việc hô hấp cũng có thể gây ra cơn khó thở.
Khó thở đột ngột có thể trở nặng trong các tình huống như cơn kịch phát bệnh phổi hoặc bệnh tim mạn tính. Ngoài ra, các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến phổi như: Ô nhiễm không khí nặng hoặc phơi nhiễm khói củi trong những tháng lạnh, có thể kích phát cơn khó thở.
Đối với người làm việc ngoài trời với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, đi du lịch lên các vùng núi cao hoặc chỉ đơn thuần do thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, cũng có thể khiến tình trạng khó thở đột ngột trở nặng. Những người viêm phổi, bị nhiễm trùng hoặc quá sợ hãi, lo lắng và hoảng loạn… cũng có thế khiến khó thở đột ngột trở nặng.
Cần xử trí thế nào khi xuất hiện khó thở?
Nếu xuất hiện khó thở thì phải thật bình tĩnh, không nên sợ hãi. Điều đầu tiên cần làm là nghỉ ngơi, nếu tình trạng khó thở do tâm lý, do công việc nặng nhọc hoặc khi leo núi… thì cần hít thở sâu, không cố gắng nín thở.
Cần thả lỏng cơ thể, ngồi thẳng hoặc trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Có thể uống nhiều nước lọc, nước đường, trà gừng mật ong, nếu không thuyên giảm nên đưa đến cơ quan y tế gần nhất.
Cần theo dõi tình trạng khó thở xem tần suất lặp lại như thế nào, mức độ ra sao. Không phải mọi cơn khó thở đều nguy hiểm, vì thế cần phải biết khó thở thì nên làm gì, nếu khó thở kéo dài trên 30 phút có thể sẽ ảnh hưởng nhiều tới tính mạng, nhất là cơn khó thở gấp.
Với tình trạng khó thở ở người có các bệnh lý nền như: Tim mạch, COPD, khí phế thũng… thì việc cần thiết là hãy sử dụng thuốc đã kê đơn của các bác sĩ điều trị. Sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khó thở đôi khi là một vấn đề nghiêm trọng, vì vậy, nếu sức khỏe bình thường bỗng nhiên đột ngột bị khó thở, thì cần tránh lao động nặng, tránh hoạt động khom lưng gập người như nghề bốc vác, khiêng đồ nặng, cần có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên trong một hoạt động. Làm việc với tần suất vừa phải, không làm việc quá gắng sức.
Cần tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, điều tiết hơi thở, sau đó mới chuyển qua bài tập chạy. Tuyệt đối không tập chạy khi khó thở, vì có thể gây ra tình trạng khó thở nặng hơn, dẫn đến ngất.
Nên tập thở với các bài tập đơn giản như động tác thiền, yoga, thở bụng thư giãn làm cho hơi thở sâu và không gồng sức tại cơ ngực, phổi…
Cần đến ngay cơ sở y tế khi tình trạng đột ngột khó thở nặng mà không khỏi, đau ngực cùng với khó thở. Không cảm thấy bớt sau khi sử dụng thuốc chỉ định mà bác sĩ đã cho.
Người bệnh khó thở kèm theo sốt hoặc thay đổi số lượng, màu sắc, độ nhầy của đờm. Có cảm giác khó thở không mất đi sau khi nghỉ ngơi 30 phút.
4 mức độ khó thở được phân ra như sau:
- Độ 1: Không hạn chế hoạt động thể lực.
- Độ 2: Khó thở khi làm việc gắng sức nặng trong cuộc sống hàng ngày.
- Độ 3: Khó thở khi gắng sức nhẹ, hạn chế nhiều hoạt động thể lực.
- Độ 4: Khó thở khi gắng sức nhẹ hoặc khó thở khi nghỉ.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.