Hà Nội

Nâng cao chất lượng dân số: Nhiệm vụ chính trị chiến lược

20-12-2021 13:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Quy mô dân số nước ta lớn với gần một trăm triệu dân. Bên cạnh những lợi thế của "cường quốc về quy mô dân số", về một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì việc chăm lo, bảo đảm đời sống của một trăm triệu dân cũng là một thách thức lớn.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã khẳng định "tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững". Điều này một lần nữa lại được tái khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Chú trọng nâng cao chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng

Có thể nói trong thời gian qua, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân số luôn được Bộ Y tế, Tổng cục Dân số đặt lên hàng đầu. Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đã sớm chỉ đạo Tổng cục Dân số tham mưu, xây dựng các đề án, chương trình liên quan đến công tác dân số.

Cho đến nay, rất nhiều đề án, chương trình về công tác dân số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành như: Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, chương trình truyền thông dân số, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp, Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030.

Một loạt các đề án, chương trình được Thủ tướng Chính phủ ban hành thời gian qua đã cho thấy sự quyết tâm chính trị rất lớn của Bộ Y tế, của Tổng cục Dân số trong việc thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.

Thành tựu giảm sinh tạo tiền đề vững chắc cho nâng cao chất lượng dân số

Năm 2005-2006, nước ta đạt mức sinh thay thế với số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là 2,1 con. Đây là một thành tựu rất lớn của nước ta sau một thời gian dài, bền bỉ, kiên trì với công tác dân số. Bởi chúng ta cũng mất tới 45 năm, kể từ năm 1961 mới có thể giảm được từ 6,4 con xuống còn 2,1 con. Điều đó đồng nghĩa với việc phải trải qua 3-4 thế hệ sinh đẻ, chúng ta mới đạt được điều đó.

Càng đáng tự hào hơn khi 15 năm qua chúng ta vẫn giữ vững mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Điều mà không nhiều nước làm được. Việc khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, mức sinh giảm, mức chết giảm, tuổi thọ người dân ngày càng gia tăng đã tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dân số, chăm lo đời sống nhân dân, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn dân số với phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

Nâng cao chất lượng dân số: Nhiệm vụ chính trị chiến lược - Ảnh 1.

Công tác dân số nước ta còn nhiều khó khăn thách thức.

Tập trung nâng cao chất lượng dân số

Trong thời gian qua, nhiều chương trình, đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số đã được ngành dân số triển khai như chương trình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, chương trình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người di cư, đặc biệt ở khu công nghiệp, khu chế xuất, cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng biên giới, hải đảo, người nghèo, đối tượng chính sách, vùng có mức sinh cao, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Các hoạt động truyền thông vận động đi liền với cung cấp dịch vụ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân, tăng cường các cơ hội tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế-dân số. Từ đó từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi ban đầu trên hành trình dài của ngành dân số trong nỗ lực nâng cao chất lượng dân số nước nhà.

Còn nhiều những khó khăn, thách thức

Công tác dân số nước ta vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức. Quy mô dân số nước ta lớn với gần một trăm triệu dân. Mỗi năm, nước ta tăng thêm hơn một triệu người, tương đương quy mô dân số của một tỉnh trung bình của Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh những lợi thế của "cường quốc về quy mô dân số", về một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì việc chăm lo, bảo đảm đời sống của một trăm triệu dân cũng là một thách thức lớn.

Mức sinh lại rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã xuống mức rất thấp. Trong khi các tỉnh còn nhiều khó khăn thì mức sinh lại rất cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Trong khi chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng thì chúng ta đã sớm bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao và khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền là rất lớn, nông thôn cao gấp đôi so với thành thị, đặc biệt cao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người như tỷ lệ hôn nhân cận huyết của đồng bào MNông là 37,7%o, La Chỉ: 30,8%o, Bru Vân Kiều, Cờ Tu: 28%o… Tỷ lệ tảo hôn ở đồng bào Mông lên tới 51,5%, Cơ Lao, Mảng: 47%, Xinh Mun: 44,8%...

Tầm vóc, thế lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp.

Bên cạnh đó là các yếu tố về điều kiện như: tổ chức bộ máy thiếu ổn định, liên tục biến động, chế độ đãi ngộ còn thấp, nhất là ở cấp cơ sở, nguồn lực đầu tư thấp, cắt giảm mạnh, chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ…

Điều đó đòi hỏi những quyết tâm chính trị rất lớn tại tất cả các cấp và sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và người dân. Cũng chính bởi vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu: "Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Dân số là yếu tố đầu vào của quá trình phát triển và cũng là điểm đến cuối cùng đo lường sự phát triển. Con người là chủ thể và là trung tâm của sự phát triển. Điều này cũng gắn liền với việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lương Quang Đảng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn