Hà Nội

Duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc góp phần ổn định quy mô dân số

18-12-2021 19:56 | Thời sự

SKĐS - Chúng ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, các đối tượng. Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Theo TS Phạm Vũ Hoàng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế, xác định sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con) và duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" từ năm 2007, tạo cơ hội lợi thế về số lượng người trong độ tuổi lao động góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, các đối tượng. Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc sẽ góp phần ổn định quy mô dân số - Ảnh 2.

Duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc sẽ góp phần ổn định quy mô dân số . Ảnh minh hoạ. (Báo Tây Ninh)

Hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con) với quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm hơn 41% dân số cả nước, tập trung tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó nhiều tỉnh có điều kiện KTXH còn rất khó khăn; 

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,2 con) với quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm gần 40% dân số cả nước, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).

Việt Nam đã sớm nhận thức những thách thức về sự khác biệt mức sinh xảy ra trong thực tế, ngay trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới đã xác định các kịch bản ứng phó thông qua các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu 1 đến 2030 là "Duy trì vững chắc, mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), qui mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh tahi hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn".

Các mục tiêu và giải pháp này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 137 NQ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2017 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21 –NQ/TW; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 1679 /QĐ-TTg ngày 22/11/2019 khẳng định các mục tiêu trên với hệ thống 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Đây là bước cụ thể hóa quan trọng trong việc thực hiện điều chỉnh mức sinh. Trong quyết định này đã xác định 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là:

- Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con).

- Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con).

- Duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh, duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Tiếp tục giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao sẽ tránh được các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục….

Phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp sẽ tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phát triển đang phải đối mặt. Khi mức sinh tăng lên, sẽ làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh và cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa dân số và cải thiện chất lượng dân số (do một bộ phận dân số có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn sẽ sinh thêm con).

Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách, tiến tới giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các đối tượng.

PGS.TS Trần Danh Cường: Bệnh viện Phụ sản TW sạch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh bình thườngPGS.TS Trần Danh Cường: Bệnh viện Phụ sản TW sạch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh bình thường

SKĐS - Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống sáng ngày 9/12, PGS.TS Trần Danh Cường – Gíam đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết tình hình dịch COVID-19 tại toà nhà BC của bệnh viện đã được khống chế. Bệnh viện Phụ sản TW sạch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh bình thường.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn