Nhất quán giải pháp xuyên suốt chính sách dân số gắn với phát triển kinh tế- xã hội
Theo TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ta nhất quán giải pháp xuyên suốt chính sách dân số gắn với phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số theo nguyên tắc thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tức là giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thực hiện lượng hóa việc "lồng ghép" có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương với hệ thống, bộ chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể gắn với nhiệm vụ ngắn hạn, dài hạn đối với từng cấp chính quyền; thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm (nếu có) định kỳ, thường xuyên.
Phân công, phân cấp, ủy quyền trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp.
Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và của cả cộng đồng trong công tác dân số. Thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chuyên gia cho rằng ở xã hội truyền thống, của cải từ con cái dịch chuyển sang bố mẹ. Còn ở xã hội hiện đại của cải từ bố mẹ dịch chuyển sang con cái. Vì, xã hội truyền thống, nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo nên nhà càng đông người càng có thu nhập cao.
Vì vậy các gia đình lựa chọn phương thức sinh đẻ nhiều vì họ coi đây là giải pháp căn cơ, truyền thống. Còn ở xã hội hiện đại việc nuôi dạy con cái từ lúc được sinh ra đến lúc trưởng thành rất tốn kém. Đó là lý do các gia đình tự hạn chế việc sinh đẻ.
Chính sách an sinh gắn với dân số luôn được quan tâm với mức sàn dịch vụ ngày càng cao, bao phủ
TS Đoàn Ngọc Xuân cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch xã hội truyền thống sang hiện đại, thực trạng chênh lệch giữa các vùng, miền có tác động đến cơ cấu dân số và tình trạng di dân không thể tránh khỏi. Giải pháp căn cơ là chính sách phải gắn với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội đối với từng vùng, địa phương trên nguyên tắc khuyến khích hoặc hạn chế cần phải đồng bộ, nhất quán, nhân văn, cộng đồng gắn với chính sách di cư, di dân.
Nhìn góc độ kinh tế, lĩnh vực dân số trong nền kinh tế thị trường thì con người với tư cách là nguồn nhân lực, con người tạo ra của cải cho xã hội (cung), đồng thời con người cần nhu cầu đáp ứng vật chất, tinh thần tồn tại và phát triển (cầu).
Cũng theo TS Đoàn Ngọc Xuân, nhìn trên phương diện quốc gia, Nhà nước ta có chính sách an sinh bao trùm, được thế giới đánh giá là một trong số ít quốc gia đầu tư cho an sinh chiếm tỷ trọng cao trong GDP, là quốc gia thực hiện thành công mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong đó, các chính sách an sinh gắn với dân số luôn được quan tâm với mức sàn dịch vụ ngày càng cao, bao phủ. Vì vậy, không phân biệt vùng, miền, địa phương, chính sách an sinh về dân số đều được bao phủ đến mọi người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được trong chính sách an sinh về dân số phải đặt vấn đề quản lý phát triển dân số trong các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển nhằm hướng tới hài hòa lợi ích gia đình và cộng đồng, tránh việc lạm dụng, lợi dụng, trục lợi chính sách.
Nhà nước có chính sách phù hợp với khu vực, vùng có điều kiện khó khăn (vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn) theo hướng nâng cao điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống trên quê hương của họ.
Đối với khu vực, vùng có điều kiện phát triển càng cao cần có chính sách tiếp nhận nhập cư (chính sách di cư) phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực và năng lực hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương, trên nguyên tắc mỗi cá nhân, gia đình phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.