Đại dịch COVID-19 tác động đến công tác dân số
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kế hoạch hoá gia đình là một trong những dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu do đại dịch COVID-19. Việc thiếu đi sự hỗ trợ về kế hoạch hoá gia đình và các phương pháp tránh thai an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. UNFPA kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn kế hoạch hoá gia đình.
Đại dịch COVID-19 còn khiến cho nguy cơ bạo lực giới tính tăng cao trên thế giới. Tại một số nơi, nhiều phụ nữ và trẻ em gái đang đứng trước nguy cơ bị bạo hành hoặc bị ép tảo hôn. Quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch cũng khiến nhiều phụ nữ không thể tiếp cận được sự bảo vệ, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao chất lượng dân số, LHQ khuyến cáo các cơ quan chính phủ duy trì, đầu tư vào những chương trình hỗ trợ, bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành. Các cơ quan hành pháp và tư pháp cần hành động nhanh để đối phó và ngăn chặn nguy cơ bạo lực gia tăng trong thời dịch.
Trước những tác động lâu dài của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề dân số, theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc UNFPA thực hiện vào tháng 3/2021, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản ở nhiều nước trên thế giới.
Theo đó, trong đại dịch, những người dù có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn trì hoãn việc sinh con do lo lắng về bất ổn tài chính và khủng hoảng. Đồng thời, một số khác lại bị gián đoạn trong việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly nên đối mặt với nguy cơ có thai ngoài ý muốn...
Nhiều cách làm hay
Quảng Trị là một trong những tỉnh có nhiều cách làm hay đảm bảo hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến người dân không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19 suốt 2 năm qua.
Theo đó, các hoạt động công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh đã được chủ động triển khai sớm ngay từ đầu năm, trong đó ưu tiên các hoạt động quan trọng, thiết yếu đến người dân như: triển khai Kế hoạch về thực hiện khóa sổ A0 năm 2020 và chuẩn bị đổi sổ giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoạt động quản lý thông tin, số liệu chuyên ngành dân số trong toàn tỉnh; Triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ đến xã có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và xã thuộc địa bàn khó khăn năm 2021 tại 56/125 xã, phường, thị trấn trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại; Triển khai các hoạt động tập huấn, hội nghị chuyên đề về công tác dân số trong tình hình mới, các chương trình đề án nâng cao chất lượng dân số.
Đặc biệt tỉnh tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng đến Kỷ niệm 60 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021), thống nhất phương án chuyển Hội thi tuyên truyền viên Dân số cơ sở sang Cuộc thi "Tìm hiểu công tác Dân số trong tình hình mới" với đối tượng là viên chức dân số cấp huyện, xã và toàn bộ đội ngũ Cộng tác viên dân số thôn, khu phố đã được các địa phương, đơn vị hưởng ứng tham gia có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về Dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh cơ bản được triển khai và đạt so với kế hoạch đề ra: Tổng số trẻ sinh ra trong 6 tháng là 3.545 trẻ, giảm 338 trẻ so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 24,4%, giảm 0,1% so với cùng kỳ 2020; số cặp vợ chồng mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 27.882 cặp…
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản như: Khám thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh, sau sinh, cung cấp các biện pháp tránh thai, điều trị bệnh phụ khoa... tại các cơ sở y tế trên các địa bàn.