Trong thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, đặc biệt là thay đổi nhận thức của những gia đình sinh con một bề là gái luôn là bài toán khó đối với nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc phát huy hiệu quả của các mô hình tuyên truyền qua các kênh thông tin mạng xã hội đã đem đến những hiệu quả bất ngờ trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Cụ thể, trong thời gian qua tinh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông tiếp tục được duy trì và tăng cường trên các kênh thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng và đổi mới, phù hợp với đặc thù của vùng đặc thù; từng nhóm đối tượng: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên; nam giới; người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh hình thức truyền thông trực tiếp nhằm giúp đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững.
Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển và phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nhận thấy hiệu quả từ việc phát huy mô hình tuyên truyền này, ngành dân số tỉnh đã phát triển, đẩy mạnh hoạt động trang fanpage của Chi cục trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok..., triển khai tới các huyện, thành, thị, người dân, cán bộ dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số tích cực tham gia cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên dân số" trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok (cuộc thi do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức - Kết quả tỉnh Phú Thọ đoạt giải nhì toàn quốc).
Đồng thời, tổ chức phát động, tổng kết cuộc thi "sáng tạo thông điệp truyền thông dân số" tỉnh Phú Thọ trên nền tảng mạng xã hội facebook. Các hoạt động truyền thông dân số trên các nền tảng mạng xã hội tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút lớn trong cộng đồng. Hưởng ứng phát động tuyên truyền và tham gia giải báo chí toàn quốc về công tác dân số năm 2021.
Về các cơ sở, hiện có 100% Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành thị và xã, phường, thị trấn đã tham gia, thiết lập tài khoản (truyền thông dân số... hoặc dân số....) trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... đồng thời chuyển tải thông tin, thông điệp về dân số, tích cực tương tác; tham gia cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên dân số", "Sáng tạo thông điệp truyền thông dân số" trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều đơn vị triển khai tốt như: Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, thị xã Phú Thọ, TP. Việt Trì...
Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Báo Phú Thọ xây dựng 04 chuyên trang về dân số và phát triển; Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục dân số và phát triển; kết quả năm 2021 đã có 8 phóng sự và 30 tin trên Đài PT-TH; 52 tin, bài,ảnh trên Báo Phú Thọ.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản chính sách về công tác Dân số và Phát triển, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ và các vấn đề dân số cần quan tâm hiện nay như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số; các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh về công tác Dân số và Phát triển; thông tin hoạt động, các điển hình tiêu biểu về chương trình Dân số. Chỉ đạo, triển khai các đợt truyền thông cao điểm hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8/5), Ngày dân số thế giới 11/7, Ngày Tránh thai Thế giới, Ngày Quốc tế Người cao tuổi và Ngày Quốc tế Trẻ em gái với nhiều hình thức như: Thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề, treo băng zôn...
Từ những thành công đạt được trong công tác tuyên truyền về dân số trong năm nay, ngành dân số tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Chuyển nội dung truyền thông, giáo dục từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Xây dựng các thông điệp truyền thông với khẩu hiệu vận động: "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con; thanh niên, vị thành niên.
Đồng thời, tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội.
Cung cấp cho nam, nữ thanh niên vị thành niên các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con, quản lý kinh tế gia đình; củng cố giá trị mỗi gia đình có một hoặc hai con, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.