'Khi nhà văn bàn về giới' không tình cờ nhưng nhiều bất ngờ

14-09-2021 20:59 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - "Khi nhà văn bàn về giới", một sự kiện online vừa diễn ra, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, xoay quanh phê bình nữ quyền trong văn học, triết học về giới trong sáng tác của các nhà văn.

Người đàn bà Việt đề cao nữ quyền từ 300 năm trước là ai ?Người đàn bà Việt đề cao nữ quyền từ 300 năm trước là ai ?

SKĐS - NXB Phụ nữ vừa phát hành cuốn tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, tác phẩm được chắp bút bởi nhà văn Lê Phương Liên.

Trong những ngày căng thẳng và mọi nguồn lực đều dồn cho công tác phòng chống dịch COVID-19, công chúng yêu nghệ thuật phải làm quen với trạng thái mới và tạm bằng lòng với những nguồn cung cấp phim nhạc online.

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 2.

Các diễn giả trong buổi trực tuyến Khi nhà văn bàn về giới

Rất hiếm hoi mới có một sự kiện nghệ thuật được tổ chức công phu và diễn giả nổi tiếng nên tọa đàm trực tuyến Khi nhà văn bàn về giới lập tức thu hút được sự quan tâm của công chúng. Các diễn giả tham gia sự kiện này là những tên tuổi nổi bật trong giới văn chương nước nhà: Nhà nghiên cứu - tiến sĩ văn học Hoàng Tố Mai, Nhà văn Y Ban, nhà văn Đỗ Bích Thúy, dịch giả - nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Trước đó một danh mục các truyện ngắn và các phim điện ảnh đã được ban tổ chức gửi đến tới mọi người để có thể đọc, xem trước khi sự kiện diễn ra. Bởi vậy người tham dự và các diễn giả có sẵn một mối dây liên kết thông qua tác phẩm.

Các nhà văn bàn gì về giới?

"Đây là một món quà, mà sau này nếu con ngoan, con sẽ nhận được 1 nhưng nếu con hư con sẽ nhận được rất nhiều!". Nhà văn Y Ban bắt đầu những câu trả lời của mình bằng những tình huống trái khoáy xoáy não cười lăn cười bò... khiến công chúng bị cuốn vào trường năng lượng nồng nhiệt kỳ lạ của bà.

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 3.

Nhà văn Y Ban.

Khi nhà văn bàn về giới là hoạt động nằm trong chuỗi dự án sử dụng nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức về Bình Đẳng Giới, xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới do Ơ Kìa Hà Nội và Wise đồng tổ chức. Đây là phần đầu tiên của art tour online (hành trình nghệ thuật trực tuyến) bao gồm 3 hạng mục: Văn chương, mỹ thuật, điện ảnh.
Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 5.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

"Đó là đời của cô ấy chứ tôi biết làm nào được, tôi không thể đến bờ vực xong kéo cô ấy lên được. Tôi chịu". Nhà văn Đỗ Bích Thuý thường hay bốc thăm phải những câu hỏi mà chị thề xong thì có ngay bằng chứng "giết nhân vật hàng loạt" không hề oan uổng. "Vâng, thế là tiểu thuyết có 4 nhân vật chính thì tự tử chết mất 3 và chị vẫn hoàn toàn vô tội", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, độc giả kiêm nạn nhân đã từng nhiều lần bị nhà văn nhấn chìm trong nước mắt cảm thán thốt lên.

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 6.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Theo dịch giả - nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, nhà văn nam muốn viết về nhân vật nữ thì phải tưởng tượng những cảm xúc và thậm chí cả những... bộ phận trên cơ thể nhân vật mà mình chả bao giờ có cả. "Thế các chị lúc viết về nhân vật nam có đồng hoá, có tưởng tượng những bộ phận trên cơ thể mà... mình không có không?", Trần Tiễn Cao Đăng hỏi các cây bút nữ.

Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai tung ra một quả táo không rõ có bất hoà không, nhưng khiến cho toạ đàm "nóng" hơn, trước khi bước vào thế giới của phê bình nữ quyền. Địa hạt mà chị chính là người nghiên cứu lâu năm, có các bài tham luận giá trị đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế.

"Cùng là viết về loạn luân nhưng Nguyễn Huy Thiệp trong Không có vua và Y Ban trong Sự nhầm lẫn bò cái, họ đã cho ta thấy 2 cách ứng xử: Rửa tội và đền tội rất riêng. Giới tính có lên tiếng trong quyết định riêng của mỗi nhà văn không?", nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai chia sẻ.

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai.

Phụ nữ xấu thì không có quà, thế còn nhân vật thì sao?

- Tôi nghĩ là nhân vật của tôi xấu đẹp thế nào là do người yêu cô ấy, người yêu anh ấy nhìn thấy, rồi tôi chỉ tả lại thôi.

- Tôi ban đầu thì thường thích nhân vật nữ của mình có nhan sắc trên trung bình, sau tôi lại thích nhân vật nữ có nhan sắc dưới trung bình. Bây giờ thì tôi chả viết về nhan sắc của cô ấy nữa.

- Tôi à, bạn cứ thấy nhân vật nào tôi tả rất kỹ tức là cực xấu. Còn nếu lướt qua, hoặc không tả tí nào thì nhan sắc trung bình trở lên đấy. Tóm lại là nhân vật của tôi xấu cũng được đẹp cũng được. Có điều chắc chắn họ rất là ghê răng!

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 8.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người tổ chức và điều phối tọa đàm Khi nhà văn bàn về giới

Đây chỉ là vài trong rất nhiều đối thoại trong Khi nhà văn bàn về giới. Công chúng thoải mái gửi các câu hỏi, từ những câu hỏi có phần đồ sộ như phương pháp sáng tác, phương pháp lý luận, triết học giới, lý thuyết của phê bình nữ quyền... đến những tò mò nhỏ xinh đi sâu vào các tác phẩm cụ thể. Nhìn vào con số ấn tượng gần 800 người đăng ký tham gia trực tiếp và gần 6.500 lượt xem trực tiếp qua livestream facebook thì có thể thấy sự lôi cuốn từ nội dung của toạ đàm.

Khi nhà văn bàn về giới đã trả lời trực diện tương đối nhiều câu hỏi, băn khoăn của độc giả. Và nó cho thấy tầm quan trọng của nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng trong việc thay đổi hoặc nâng cao nhận thức của con người với các vấn đề thiết thân. Mà giới, bình đẳng giới, phê bình nữ quyền trong văn học chỉ là một phần nhỏ trong cả tiến trình vận động rất lớn kéo dài hàng chục năm, nhằm hướng tới sự bình quyền nam nữ thực sự.

Đặt lòng tin vào sức mạnh thay đổi thế giới của nghệ thuật, lắng nghe và ủng hộ nghệ sĩ - nhà văn - dịch giả - người nghiên cứu để họ tiếp tục "cấy trồng" trên cánh đồng sáng tạo. Chúng ta, những độc giả sẽ nhận về lợi tức tinh thần từ những mùa màng bội thu đó.

Khi nhà văn bàn về giới - Ảnh 9.

Kịch bản tác phẩm Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

"Dòng người trôi đi xung quanh Hồ Gươm, như dòng đời vẫn trôi đi vô cùng vô tận", đó là câu cuối cùng trong phân đoạn kết của kịch bản điện ảnh mang tên Không có vua do chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sáng tác. Câu cuối này đã được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trích đọc ở những phút cuối tại Khi nhà văn bàn về giới, tạo ra một kết nối dịu dàng mà thấm thía.

Một kết nối không thể chia lìa, giữa văn chương và đời sống...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.


Trúc Điệp
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn