Vượt qua định kiến về giới
Đạo diễn phim điện ảnh được cho là nghề không dành cho phái yếu. Điều này được chứng minh bằng những con số cụ thể. Thống kê của các trường đào tạo nghệ thuật trên thế giới cho thấy, 50% số người theo học ở trường điện ảnh là phụ nữ nhưng sau khi ra trường chỉ có khoảng 10% đạo diễn nữ làm nghề đúng với chuyên ngành đào tạo. Số phim do phái nữ làm ra mỗi năm, kể cả ở những hãng phim lớn của Hollywood, cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Điều đó cho thấy số đạo diễn nữ làm nghề và có cơ hội làm phim chiếm số lượng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do công việc đạo diễn điện ảnh đòi hỏi yêu cầu rất khắt khe mà phụ nữ khó có thể đáp ứng tốt so với cánh mày râu, như là về sức khỏe, sự dẻo dai...
Tuy có những rào cản liên quan tới đặc tính nghề nghiệp nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn chứng kiến sự thành công vượt trội của một số đạo diễn nữ, họ đã và đang tạo ra dấu ấn đáng kể trong lịch sử điện ảnh Việt. Những năm gần đây, có Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp... Thế hệ sau xuất hiện thêm những cái tên trẻ đầy triển vọng như Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Anh,…
Hồng Ánh không ngần ngại làm khó bản thân khi chọn dòng phim nghệ thuật vốn kén khán giả.
Là một người rất cầu toàn với những tác phẩm của mình, sau dự án đứng ra sản xuất không thành công về doanh thu là Đường đua, Hồng Ánh mất 10 năm để ấp ủ cho dự án đầu tay mình đạo diễn là Đảo của dân ngụ cư, thêm một năm chuẩn bị từ khi có nguồn kinh phí mới chính thức khởi quay.
Thử sức với vai trò mới, Hồng Ánh không ngần ngại làm khó bản thân khi chọn thực hiện một sản phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật vốn kén khán giả. Câu chuyện trong Đảo của dân ngụ cư có sức nặng và nhiều tầng ý nghĩa được đánh giá là quá khó đối với một đạo diễn tay ngang. Thế nhưng Hồng Ánh lại hoàn thành nó một cách khá thuyết phục dù phim vẫn mang tư tưởng cũ và hơi an toàn. Đảo của dân ngụ cư cùng Hồng Ánh đã chinh chiến và thắng lớn tại rất nhiều liên hoan phim trên thế giới. Bộ phim mang về cho Hồng Ánh đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN.
Cũng tại liên hoan phim này, bộ phim đã chiến thắng ở 3 hạng mục: Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Phạm Hồng Phước) và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất (cho NSND Lý Thái Dũng). Với thành công này, Hồng Ánh đã phần nào chứng tỏ, với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm và cầu toàn thì công việc đạo diễn có khó khăn đến đâu cũng chẳng thể làm khó được mình.
Sáng tạo không ngừng
Nếu như Hồng Ánh nặng tình với dòng phim nghệ thuật thì Ngô Thanh Vân lại đắm chìm trong những bộ phim được khai thác từ chất liệu cổ tích. Từng được coi là “người cuối cùng của thế hệ ngôi sao điện ảnh cũ”, không lâu sau đó, Ngô Thanh Vân dần khẳng định mình ở vai trò đạo diễn. Các bộ phim mà cô từng sản xuất chưa bao giờ vắng khách. Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim điện ảnh đầu tiên do cô đảm nhiệm vai trò đạo diễn. Phim đạt doanh thu 22 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu. Đây cũng là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác thành công từ đề tài truyện cổ tích, đưa tên tuổi Ngô Thanh Vân trở thành một “thương hiệu” của điện ảnh Việt.
Những phim sau này như Về quê ăn Tết, Song lang, Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng do đả nữ đóng vai trò nhà sản xuất cũng thắng lớn tại các phòng vé. Không những thế, Cô Ba Sài Gòn (năm 2017) được Cục Điện ảnh lựa chọn đại diện cho Việt Nam dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2019. Dễ dàng nhận ra màu sắc riêng trong các sản phẩm điện ảnh do Ngô Thanh Vân đạo diễn. Hầu hết đều đọng lại cho người xem niềm tin về tương lai. Phim của Ngô Thanh Vân có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc và sáng tạo không ngừng nghỉ. Thời gian tới cô sẽ tập trung toàn lực cho công việc của một nhà sản xuất phim. Ngoài ra còn có những dự án mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc giống như Cô Ba Sài Gòn.
Rõ ràng, đạo diễn điện ảnh là nghề đầy khó khăn với phái nữ, nhưng với đam mê cháy bỏng, những “bóng hồng” đã thực sự để lại dấu ấn khó quên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.