Ranh giới cho thấy y bác sĩ không khác gì những chiến binh quả cảm cầm súng ra tuyến đầu trực tiếp đối mặt với quân thù
Nhà báo Ngô Bá Lục, phó TBT tạp chí Sân khấu, vừa có những chia sẻ cảm xúc khi xem Ranh giới: "Lâu lắm rồi mới lại được xem một bộ phim tài liệu phóng sự chân thực đến ngạt thở như thế. Xem phim, chắc chắn ai cũng cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến đấu với giặc COVID-19 để giành lại sự sống cho con người, mà điều đặc biệt nhất, nó khiến cho người ta gai người và cảm thấy hồi hộp, kịch tính nhất, chính là việc cứu chữa các sản phụ. Có người được cứu sống, nhưng cũng có những người đã không thắng nổi thần chết, tất cả đều ám ảnh".
>>> Xem video phim tài liệu Ranh giới tại đây.
Không một lời bình, hình ảnh và âm thanh ghi trực tiếp tại hiện trường, chỉ có âm thanh của những tiếng kêu của thiết bị y tế, tiếng nói của nhân viên y tế và bệnh nhân, phim tài liệu Ranh giới của VTV phát sóng tối 8/9 đã làm hàng triệu con tim người Việt thổn thức, nước mắt rưng rưng. 50 phút của Ranh giới đã phần nào cho khán giả thấy được những gian lao, vất vả, sự nỗ lực quên mình của các y bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Hùng Vương (TP. HCM) nói riêng, các thiên thần áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 nói chung.
Các cụ nói, "Người chửa - cửa mả", với cuộc sống bình thường nó đã đúng rồi, mà ở đây, lại đang là cuộc chiến chống giặc COVID-19, nên chưa bao giờ, sự sống và cái chết nó mong manh thế, chưa bao giờ các y bác sĩ tác nghiệp trong trạng thái vừa phải cực kỳ tỉnh táo để xử lý, vừa ngổn ngang trong những cảm xúc đôi khi là cực đỉnh đến như thế. "Mình xem mà hồi hộp thót tim, kịch tính đến ngạt thở và cảm xúc trào dâng mãnh liệt", nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.
Xem Ranh giới để càng nhận ra rằng, chúng ta đang thực sự sống trong thời "chiến tranh", một cuộc chiến không tiếng súng nhưng không bình yên, một cuộc sống đầy rẫy những bất trắc, tử thần có thể gõ cửa bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào, từ người lang thang đến những đại gia nằm trên đống tiền mà lẽ ra tiêu cả đời không hết.
Xem phim, để biết cúi đầu cảm ơn, cảm ơn cả ngàn lần không đủ - đến những y bác sỹ tuyến đầu, những người trực tiếp giành lại sự sống cho các bệnh nhân từ tay thần chết. Để những người đàn ông thêm một lần nhận thấy sự hy sinh cao cả và những đớn đau vất vả, hiểm nguy tột độ của bất kỳ một người phụ nữ nào khi họ bước vào cuộc sinh nở. Để thêm một lần biết mình phải thọ ơn mẹ mình vì đã sinh ra mình, phải biết trân trọng vợ mình vì đã sinh ra những đứa con cho mình.
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng cho rằng, xem phim này để thấy những người đang ngày đêm cứu chữa, mang lại sự sống cho người khác, họ thật vất vả, căng thẳng, hiểm nguy không khác gì những chiến binh quả cảm cầm súng ra tuyến đầu trực tiếp đối mặt với quân thù. "Bởi con COVID, nó khác gì kẻ thù của chúng ta đâu, nó có khác gì những tên giặc xâm lược cuộc sống bình yên và sức khoẻ của chúng ta đâu. Vậy nên, những y bác sĩ, tình nguyện viên, những người lính công an, bộ đội,... họ đang trực tiếp, hoặc gián tiếp đánh đuổi kẻ thù để mang lại cho chúng ta cuộc sống bình yên, và cả sinh mạng của chúng ta nữa".
Chúng ta phải biết ơn họ, phải trân trọng họ. Nhà báo Ngô Bá Lục mong sau này, khi chúng ta hoàn toàn "giải phóng", cuộc sống đã trở lại bình thường, Chính phủ sẽ có những ghi nhận bằng hành động thiết thực, như tặng Huận huy chuơng, tăng cấp bậc, tăng lương, thưởng cho tất cả những ai đã và đang ngày đêm chiến đấu với giặc COVID-19 cũng như nằm trong tuyến đầu phòng vệ của cuộc chiến này. Họ xứng đáng được tôn vinh và xứng đáng được thưởng bằng vật chất.
Đối với ê-kíp thực hiện Ranh giới, nhà báo Ngô Bá Lục gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp. Nếu ngày xưa, phóng viên chiến trường là những người lao ra trận chiến trực tiếp giữa hai làn đạn, thì hôm nay, họ cũng là những "phóng viên chiến trường" khi xông vào nơi nguy hiểm nhất của dịch bệnh, gạt đi nỗi sợ hãi, gạt đi những lắng lo của gia đình người thân,... để tác nghiệp đúng nghĩa với tác phong của một "phóng viên chiến trường". Các bạn thật can đảm, giỏi giang và nhân văn.
Nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng đưa ra bình luận khi xem xong Ranh giới. Ông đánh giá, bằng những hình ảnh sống động chân thực về các bác sĩ, y sĩ, hộ sinh, điều dưỡng tại Bệnh viện Hùng Vương đã cho thấy một phần sự quên mình lớn lao của đội ngũ y tế trong việc cứu chữa các sản phụ bị F0 trong thời gian qua. Một phim tài liệu quý giá.
Tác giả của tác phẩm ăn khách Bóng đè – nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cũng chia sẻ sự xúc động khi xem Ranh giới. "Có một hình ảnh làm tim tôi thắt lại. Chị điều dưỡng dùng đôi bàn tay đeo găng vuốt chải tóc cho bệnh nhân nguy kịch. Vuốt, chải rồi búi lại gọn gàng. Nó thể hiện nữ tính của cả hai phụ nữ, nó thể hiện trìu mến, nó thể hiện ranh giới giữa bình lặng và hối hả, giữa yêu thương và trách nhiệm, giữa con người với con người".
Người mẫu Châu Bùi: Mong rằng mọi người sẽ không mất hi vọng, cùng nhau đoàn kết, động viên các y bác sĩ
Như bao khán giả khác, người mẫu Châu Bùi cũng vừa chia sẻ cảm xúc của mình khi xem xong Ranh giới. Cô cho biết, với phóng sự đặc biệt này, VTV đã chọn đưa ra sự thật về những gì đang diễn ra tại bệnh viện Hùng Vương, nơi mà đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu đang giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm COVID-19.
Những thước phim này đã đem đến góc nhìn về những điều khủng khiếp mà đại dịch đang mang đến, một cách chân thực nhất, không giấu diếm. Châu Bùi khi xem những thước phim này cũng cảm thấy vô cùng đau lòng, mất mát và ám ảnh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mỏng manh đến vậy.
Những khó khăn mà các y bác sĩ phải đối mặt không chỉ nằm ở những đêm dài không ngủ, hay những lao lực trong công việc mà chính là nằm ở lời "khó nói" mà họ phải thông báo cho bệnh nhân, hay cho gia đình người bệnh. "Không cứu được nó đau lắm" như một lời bác sĩ đã chia sẻ.
Đại dịch COVID-19 đang diễn ra nghiệm trọng hơn những gì chúng ta, những người chỉ phải thực hiện giãn cách tại nhà có thể cảm nhận và thấu hiểu được. Những nỗi đau của bệnh nhân về mặt thể xác lẫn tinh thần là không thể diễn tả bằng lời còn những hi vọng, khát khao được sống thì vô cùng mỏng manh. Và có rất nhiều cuộc gặp mặt... có thể là lần cuối.
"Châu cũng biết, có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tập phim. Có nhiều vấn đề mà Châu hiểu vì sao mọi người lại không đồng tình với cách thể hiện của VTV. Nhưng đối với Châu, điều mà Châu cảm nhận sâu sắc nhất sau phóng sự này, là sự mất mát, nỗi đau của người bệnh lẫn áp lực và trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ khi ngày đêm đấu tranh giành giật sự sống, và cả những nỗi sợ hữu hình của tất cả chúng ta. Châu nghĩ rằng thời điểm này là lúc để chúng ta động viên lẫn nhau. Chúng ta còn ở đây, để xem phóng sự này là chúng ta đã rất may mắn rồi", nữ người mẫu chia sẻ.
Châu Bùi mong rằng mọi người sẽ không mất hi vọng, cùng nhau đoàn kết, động viên các y bác sĩ, hỗ trợ những bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đại dịch chưa biết ngày nào mới đi qua, nhưng chúng ta hãy cùng nắm tay nhau để đi qua từng ngày.
Các y, bác sĩ không chỉ là anh hùng mà giờ là những siêu nhân
Chạm đến trái tim, Ranh giới đã lan tỏa một thông điệp về người thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Khán giả Hoàng Minh chia sẻ, lần đầu tiên sử dụng tính năng truyền hình xem lại để xem chương trình VTV đặc biệt Ranh giới. Chỉ cần ngồi xem cẩn thận từ đầu đến cuối, chẳng ai dám ra đường. Xem rồi mới thấy mình đang khoẻ mạnh được như thế này là vô cùng may mắn. Các y, bác sĩ giờ không còn là anh hùng mà là những siêu nhân.
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, tác giả ca khúc nổi tiếng Nhắn tuổi 20 bình luận trên trang cá nhân, Ranh giới kể câu chuyện về bác sĩ điều trị F0 rất cảm động. Bệnh viện có 124 y bác sĩ nhiễm bệnh. Khỏi bệnh lại về vị trí, ngày đêm không nghỉ giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhóm quay phim chắc chắn ở bệnh viện dài ngày, chỉ ghi hình, không có một lời bình nào. Chương trình nói hộ tình cảnh các từ mẫu thiếu người, thiếu phương tiện, quá tải. Điều này họ rất khó nói ra.
Anh Đỗ Trí Hùng, một Facebooker thường xuyên có những bài bình luận về phim ảnh có số đông người theo dõi, khi xem hết Ranh giới cũng cho biết, phim tài liệu gây xúc động mạnh tới người xem bởi có lẽ nó ra đời đúng thời điểm khi ai cũng biết lúc này, những chiến binh ở tuyến đầu chống dịch chính là các y bác sĩ, những người phải chịu đựng nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, và cũng là hy vọng duy nhất của những người nhiễm bệnh…
"Đạo diễn và e kip làm phim cũng khá cao tay, khi biết chọn lựa những chi tiết, những hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Những cuộc họp của ban lãnh đạo bệnh viện – vốn bình thường khi xem phim ta ghét nhất các cuộc họp – được dựng xen giữa những tình huống căng thẳng gấp gáp khi các bác sĩ chăm sóc cứu chữa bệnh nhân, bỗng trờ nên có sức lay động khác thường. Nghe giám đốc bệnh viện quán triệt các y bác sĩ, ta cũng muốn ứa nước mắt".
Tuy nhiên, ngoài sự hy sinh anh hùng cao đẹp của các y bác sĩ, các hộ lý, y tá… bộ phim còn gợi cho ta nhiều điều. Đó là sự khủng khiếp của con virus, sự mong manh đến mức vô nghĩa của sinh mạng con người, vừa sống đấy vậy mà chỉ trong khoảnh khắc đã thành hư vô.
"Bản thân tôi, khoảng 40 năm nay chẳng bệnh tật gì, nên chẳng vào viện để chữa bệnh. Nhưng tôi vào viện nhiều lần để chăm sóc người nhà, để thăm bệnh nhân là bạn bè hay họ hàng. Và, cứ mỗi lần qua cổng bệnh viện, vào tới hành lang các khoa, rồi tới khu bệnh nhân là tôi có cảm giác rờn rợn…Hình như thần chết đang lởn vởn quanh đây và chỉ chờ cơ hội là đoạt mạng ai đó đem đi.
Và với tôi, các y bác sĩ vốn luôn là chiến binh, từ chức năng nghề nghiệp của họ, họ phải tranh đấu với tử thần để giữ lại mạng sống cho con người. Đôi khi họ thất bại, và họ đau đớn. Cảnh phim tối qua khi người bác sĩ khóc vì bất lực vì không cứu nổi bệnh nhân là một người mẹ đang mang thai, tôi tin đó là những cảm xúc rất chân thực. Trong bệnh viện, cơ thể của người bệnh chính là chiến trường diễn ra cuộc đấu giữa bác sĩ và thần chết". anh Đỗ Trí Hùng chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.