Điều ám ảnh người viết là thước đo hủ Nho đã ăn sâu ngàn đời trong tâm trí, lối sống của chúng ta. Đã là phụ nữ thì điều cần nhất là ngoan, hiền, chăm, xinh đẹp nữa càng tốt, rồi thì “công, dung, ngôn, hạnh” tưởng như là hình tượng cao quý để trao tặng cho phụ nữ, lại hữu ý thành sợi dây thừng lấp lánh, trói buộc phụ nữ cả đời. Nhiều phụ nữ được cả gia đình và xã hội tôn vinh bằng những lời ngợi ca, bằng danh hiệu nhưng trong lòng lại ngậm đắng nuốt cay, chẳng được là chính mình, khó hạnh phúc bởi luôn phải giấu nhẹm bản thể trong biết bao lớp vỏ cứng.
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai.
Nếu như đàn ông có một cuộc đời thì phụ nữ phải chịu đựng một số phận. Nhiều cây bút đã soi rất kỹ vào số phận phụ nữ ở nước ta và đạt được thành công rực rỡ như Dạ Ngân với Gia đình bé mọn, Lê Minh Khuê với Những ngôi sao xa xôi và các tác phẩm khác của cây bút nữ tên tuổi như Trần Thuỳ Mai, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... Hình tượng phụ nữ Việt trong tác phẩm của nữ nhà văn cũng giỏi giang đó cùng từng sống, chiến đấu quật cường trong chiến tranh, trong lao động nhưng trùm lên hình tượng đó vẫn là ám ảnh khổ hạnh, chịu đựng. Tác phẩm như vậy đạt được thành công là bởi phần đông bạn đọc đồng cảm, thương xót với nhân vật như họ đang thương xót chính mình. Bạn đọc thấy được mình trong đó, nhân vật cũng thế, mình cũng thế, tưởng là được thành công, được ngợi ca nhưng thẳm sâu trong tim thì muốn gào thét, muốn khóc than, muốn rũ bỏ những cái vỏ cứng đang làm mình đau đớn từng phút.
Còn các cây viết nữ trẻ hơn, ở lứa tuổi 7X, 8X thì sao? Tiến sĩ văn học Quỳnh Võ nhận xét: “Các nhà văn nữ trẻ hiện nay dường như có nhiều chất liệu để viết hơn vì xã hội ngày càng phát triển, kéo theo những dịch chuyển về giá trị văn hoá, truyền thống, tập quán quen thuộc... Mọi sự thay đổi đều có những mặt tốt đẹp và hạn chế của nó. Bằng trái tim nhạy cảm và ngòi bút uyển chuyển của mình, những nhà văn trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Đỗ Bích Thuý, Phong Điệp, Nguyễn Thị Kim Hòa... đã khắc họa những số phận với nhiều góc khuất khác nhau của đời sống. Tuy nhiên, phần đông nhân vật nữ trong các tác phẩm của họ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dường như vẫn xem nghịch cảnh là định mệnh: phải thoả hiệp trong nước mắt với những bất công, hay chỉ biết phản kháng nhẹ nhàng khi đối mặt với những điều ngang trái. Nhìn chung, khuynh hướng xây dựng nhân vật nữ của các nhà văn nữ gần đây vẫn thiên về sự nhẫn nhịn trong muộn phiền hoặc chấp nhận thiệt thòi để đổi lấy cảm giác được bình yên”.
Bạn đọc phương Tây ban đầu cũng khá tò mò về nhân vật nữ với phản ứng khác thường trong tác phẩm Việt Nam. Nhường nhịn và chịu đựng dường như là đức tính của phụ nữ được cả xã hội Việt Nam coi trọng nên vô tình hạ thấp vị trí của phụ nữ, giảm khả năng phấn đấu vươn lên phát triển tận lực của họ. Phương Tây muốn xem kết cục số phận nữ như vậy sẽ ra sao thì thường thấy là nhân vật nữ kết nước mắt thành khối đá lạnh lặng câm, hoặc tự vẫn, hoặc giả vờ hạnh phúc cho đến cuối đời, tự kết liễu bản thể của mình để tồn tại trong số phận mà xã hội mong muốn. Nhân vật nữ luôn là nạn nhân của gia đình hoặc xã hội, dù ít dù nhiều, dù là mẫu người luôn thành công, hay thất bại.
Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện nay, phụ nữ đã thay đổi rồi. Giới luật Nho giáo dù ăn sâu bén rễ trong tâm óc cũng phải có người dám gạn lọc nó ra mà dám sống là chính mình, để bản thể mình lên tiếng. Trong văn học nữ, cũng không phải là không có người nhận ra thay đổi này và cất lên giọng nói khác. Nguyễn Phan Quế Mai là một ví dụ. Để tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang của mình được một nhà xuất bản uy tín ở Mỹ nhận ấn hành bằng cả ngôn ngữ Anh, Đức, Hà Lan và phát hành rộng khắp tại Mỹ, châu Âu thì Nguyễn Phan Quế Mai đã phải đi cả một chặng đường dài gian nan, không chỉ ở chất lượng tác phẩm mà còn ở cái nhìn chân thực và thấu đáo của nhà văn, ở sự thấu hiểu thị trường.
Trong một hợp tuyển văn học nữ Việt Nam xuất bản tại Mỹ thời gian tới đây do GS. Hà Mạnh Quân và TS. Quỳnh Võ chịu trách nhiệm lựa chọn bản thảo thì điều thay đổi lớn nhất mà người giám tuyển muốn, đó là ưu tiên tác phẩm với nhân vật nữ bản lĩnh, dám lựa chọn một cuộc sống chứ không chịu đựng số phận hoặc cho dù đã từng phải sống trong bùn lầy nước đọng thì cũng dũng cảm phủi bụi bùn đứng dậy mà bước đi đón nhận một cuộc đời tự do, khẳng định bản dạng giới chân thực, khẳng định giá trị riêng của mình và có quyền được tôn trọng. Văn học, với tính năng dự báo, dẫn dắt, cần có dịch chuyển quan trọng này, trong việc xây dựng hình tượng nữ giới Việt Nam trong thời đại mới.