Sài Gòn, những ngày COVID buồn của đời sống nghệ thuật

26-08-2021 21:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 giăng sầu khắp lối, cướp đi sinh mạng của một số nghệ sĩ được đông đảo công chúng yêu mến, đồng nghiệp nể trọng.

Ngày buồn của giới nghệ sĩ: Đạo diễn Lê Văn Tĩnh, ca sĩ Việt Quang qua đời Ngày buồn của giới nghệ sĩ: Đạo diễn Lê Văn Tĩnh, ca sĩ Việt Quang qua đời

SKĐS - Hôm nay, 12/8, giới nghệ sĩ trầm buồn trước tin đạo diễn gạo cội Lê Văn Tĩnh và ca sĩ Việt Quang đã rời cõi tạm.

Soạn giả Thập tứ nữ anh hào, nghệ sĩ Bạch Mai không thoát khỏi bóng ma COVID-19

Đối với giới mộ điệu nghệ thuật cải lương tuồng cổ, soạn giả Bạch Mai là một cây đại thụ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là chủ gánh hát tuồng cổ Huỳnh Long, các anh chị em trong gia đình đều là nghệ sĩ như Thanh Bạch, Bạch Lan, Kim Phượng, Phượng Nga, Trung Cuộc, Thanh Châu... nghệ sĩ Bạch Mai sớm có đam mê và đến với cải lương từ tấm bé.

Sầu giăng lối đời sống nghệ thuật ngày COVID-19 - Ảnh 2.

Nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai trên sân khấu

Từ năm 13 tuổi, nghệ sĩ Bạch Mai đã bắt đầu biểu diễn những vai đào con, đến 15 tuổi thì hát chính. Bạch Mai được khán giả yêu mến qua hàng trăm vai diễn, trong đó có những tác phẩm điển hình như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lá chắn biên thùy, Tấm Cám, Đường về núi Lam, Người đẹp trong tranh...

Ngoài ra, nghệ sĩ Bạch Mai là soạn giả nhiều vở nổi tiếng: Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Ngọc Kỳ Lân, Thập tứ nữ anh hào, Ngũ biến báo phu cừu, Mặt trời đêm thế kỷ, Trưng Nữ Vương, Mai trắng se duyên, Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Ngũ biến báo phu cừu... Bà chính là mẹ của Bình Tinh - nghệ sĩ trẻ được nhiều khán giả yêu mến bởi tài năng của sân khấu cải lương.

Sầu giăng lối đời sống nghệ thuật ngày COVID-19 - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Bạch Mai và các em

Với những gì đã đóng góp cho nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ – soạn giả Bạch Mai được đồng nghiệp, các thế hệ tiếp nối yêu mến và xem như một tượng đài của cải lương tuồng cổ. 

Trong đại dịch COVID-19, nghệ sĩ Bạch Mai không may nhiễm bệnh. Bà đã có thời gian điều trị rồi cho kết quả âm tính, song vì có một số bệnh nền, nữ soạn giả Thập tứ nữ anh hào đã vừa qua đời khuya ngày 25/8.

Thông tin nghệ sĩ Bạch Mai qua đời đã để lại nhiều tiếc thương, nỗi buồn vô hạn với những người ở lại. NSƯT Kim Tử Long xúc động chia sẻ: "Nghe tin như sét đánh. Không nghĩ đó là sự thật, nghệ sĩ – soạn giả và đạo diễn Bạch Mai đã ra đi không bao giờ trở lại sân khấu. Cải lương tuồng cổ lại mất đi một cây cổ thụ. Lòng không muốn nghĩ đó là sự thật, nhưng biết phải làm sao".

Sầu giăng lối đời sống nghệ thuật ngày COVID-19 - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Bình Tinh và mẹ - soạn giả Bạch Mai

Hay tin nghệ sĩ Bạch Mai rời cõi tạm ở tuổi 73, nhiều nghệ sĩ cũng đã chia sẻ nỗi mất mát với Bình Tinh. Diễn viên, MC Đại Nghĩa chia sẻ: "Anh muốn khóc lắm, thương em đến xé lòng. Sao em có thể chịu đựng nổi nỗi đau quá lớn này đây? Cầu mong cho em bình an thôi em ơi. Bông mai trắng đã tan vào hư không, một vì sao đêm nay đã tắt".

Nghệ sĩ Bạch Mai chính là chị gái của nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu. Cuối tháng 7 vừa qua, nghệ sĩ Kim Phượng đã qua đời cũng bởi dương tính với virus SARS-CoV-2. Không lâu sau đó, nhạc sĩ Thanh Châu mắc COVID-19 rồi cũng rời cõi tạm. Những cái chết liên tiếp được xem như đại tang do COVID-19 gây ra với gia tộc cải lương tuồng cổ nổi tiếng Huỳnh Long.

Lữ Bố của Phụng Nghi Đình vì COVID-19 cũng vừa tạm biệt chúng ta mãi mãi

NSƯT Lâm Bửu Sang (tên thật Huỳnh Bửu Nga, sinh năm 1959) cũng đã vừa tạm biệt thế giới này sau thời gian điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa quận 8, TP.HCM.

Sầu giăng lối đời sống nghệ thuật ngày COVID-19 - Ảnh 5.

NSƯT Lâm Bửu Sang (1959 - 2021)

NSƯT Lâm Bửu Sang là một gương mặt nổi bật của nghệ thuật sân khấu nước nhà. Bà đã có 40 năm gắn bó với đoàn Ca Kịch Quảng Đông - Triều Châu và là người đã truyền nghề lại cho các diễn viên trẻ ở đây.

Những vai kép võ được NSƯT Lâm Bửu Sang thể hiện xuất thần trên sân khấu đã đi vào lòng khán giả và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn. Công chúng sẽ mãi nhớ về những vai diễn nổi tiếng của NSƯT Lâm Bửu Sang, đó là: Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Hoa Mộc Lan của vở cùng tên, Lương Sơn Bá (Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài) cùng giọng ca trầm ấm, da diết cảm xúc.

Đối với công chúng, NSƯT Lâm Bửu Sang không chỉ là nghệ sĩ tài năng trên sân khấu, tình yêu với nghề và sống trọn với đam mê mà ngoài đời, nữ nghệ sĩ còn là người dễ gần, sống tình cảm. Trong những ngày COVID-19, NSƯT Lâm Bửu Sang mất đi đã để lại những khoảng trống mênh mang với người ở lại.

Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi đã qua đời ngày 25/8 tại Bệnh viện Nhân dân 115 vì nhiễm COVID-19, ở tuổi 76 (1946 - 2021).

Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi được xem là một trong những phụ nữ tiêu biểu truyền cảm hứng về nghệ thuật nữ công gia chánh cho nhiều thế hệ phụ nữ ở nước ta. Bà có hơn 100 đầu sách hướng dẫn nấu ăn, may vá, làm đẹp, cắm hoa… Đặc biệt, sách về nấu ăn của bà là những quyển "gối đầu giường" của rất nhiều phụ nữ. Có cuốn đã được dịch ra 3 thứ tiếng, in và phát hành ở nước ngoài, nhằm giới thiệu tinh hoa ẩm thực cổ truyền của Việt Nam ra thế giới.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn