Những bác sĩ - nhà văn: Bên lòng nghiệp chữ nặng mang…

10-02-2021 11:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Các nhà văn lừng danh trên thế giới như Chekhov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc) xuất thân là bác sĩ. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Làm bác sĩ thì chỉ chữa bệnh cho một số người. Làm nhà văn thì chữa bệnh cho cả một dân tộc, thậm chí cả nhân loại".

Ở Việt Nam,  bác sĩ - nhà văn cùng với các văn hữu khác cũng đã góp phần “chữa bệnh” cho nhiều người qua từng trang viết thấm đượm tình người, tình đời.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Những bác sĩ - nhà văn

Khi học cấp 2, vào Tết 1963, tôi đọc Báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn Việt Nam)số xuân, thấy có một bài thơ 4 câu của tác giả Vũ Quần Phương. Ngay từ đấy, cái tên thơ ông đã in đậm trong trí nhớ tôi. Khi bị thi ca “bắt” rời bỏ tấm bằng kỹ sư thông tin, tôi càng hiểu nhiều về Vũ Quần Phương - một người cũng vì thơ mà bỏ nghề trước tôi. Nhưng nghề của ông là nghề bác sĩ.

 Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc, sinh ngày 8/9/1940 ở làng Quần Phương, huyện Hải Hậu (Nam Định). Địa danh quê hương là bút danh của ông.

Ông từng đoạt giải thưởng 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1967-1971), giải Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 1976. Khi đọc bài thơ  Thuyền Trương Chi đang trôi của ông trong tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985, tôi mê phong vị bán cổ điển trong thơ ông qua những câu thơ ám ảnh khiến người đọc mềm lòng:“Anh mang ngày xưa sang sông xa. Tôi ở bên đây chiều nhớ nhà. Chống sào hát với biển Đông. Biển không hết nước ta không hết nàng”.

Ở tuổi Vũ Quần Phương đến xuân này, đã trở thành tiên chỉ của Hội nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thực tinh tường khi anh nhận xét về thơ Vũ Quần Phương: “Thơ nhiều khi chẳng cần nói gì mà nói được rất nhiều. Tự thân thơ đã là triết lý. Đôi khi người thơ nếu dụng công quá, kỹ thuật nhiều quá, khiến bài thơ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, như nhiên vốn là bản chất của thi ca muôn đời. Phải chăng vì thế, một số bài thơ hay của Vũ Quần Phương lại nằm ngoài sự dụng công kỹ tính của ông?”.

Nhà văn Thái Bá Lợi

Những bác sĩ - nhà văn

Sau ngày thống nhất đất nước, khi những tư tưởng duy ý chí đang còn tạo nên sự trì trệ trong xã hội, truyện ngắn Hai người trở về trung đoàn của Thái Bá Lợi đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đã gây xôn xao dư luận. 

Mùa thu 2020, giai phẩm Viết & Đọc - Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn với lời bình nồng nhiệt của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Một sự báo động từ rất sớm”.

Thái Bá Lợi quê ở Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh sinh ngày 8/4/1945. Bỏ dở đại học y, Thái Bá Lợi nhập ngũ 1965, vượt Trường Sơn vào chiến trường B4, B1 (Quảng Trị - Thừa Thiên - Khu 5). Ở đơn vị bộ binh, Thái Bá Lợi làm y sĩ. Những năm dấn thân qua các chiến dịch từ Mậu Thân-1968 ở Huế, chiến trường đường 9 - Nam Lào, chiến trường khu 5 đã cho Thái Bá Lợi một vốn sống phong phú về người lính. Do viết tốt  anh được chuyển về Tuyên huấn Quân khu 5.

Tôi gặp Thái Bá Lợi lần đầu tiên vào mùa thu 1976 cùng nhà thơ Thanh Thảo ở trại sáng tác văn nghệ Quân khu 5 - số 10 Lý Tự Trọng (TP Đà Nẵng). Chúng tôi thành thân thiết ngay. Khi tôi gặp Thái Bá Lợi, anh đang viết tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1983. Thái Bá Lợi viết chậm và kỹ, không phải chữa nhiều. Ông trời cho anh cái duyên viết văn xuôi. Người thẩm định văn chương nghiêm cẩn như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng “phải lòng” văn xuôi của Lợi.

Thái Bá Lợi ra Hà Nội học đại học viết văn Nguyễn Du khóa I. Khi ấy, tôi cũng rời đơn vị cũ về Viện Nghiên cứu kỹ thuật thông tin và được binh chủng cho đi học trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Học xong, anh chuyển ngành về Hội nhà văn Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó xây dựng nhà xuất bản Đà Nẵng. Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của nhà văn Gabriel Garcia Maquez, bản dịch của Nguyễn Trung Đức đã được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đầu tiên ở Việt Nam. Thái Bá Lợi Lợi viết đều tay, các tác phẩm được viết trong thời gian này là Bán đảo, Đội hành quyết, Trùng tu...

Căn gác hẹp ở đường Trần Phú gần cầu quay đối diện với Báo Đà Nẵng là nơi ấp ủ nhiều dự định văn chương của anh. Khi tiểu thuyết Khê ma ma của Lợi in ra, Thanh Thảo nói với tôi: “Thằng Lợi tài thật. Văn nó đâu cần sex đâu sao vẫn cuốn hút đến vậy”. Nhờ duyên viết trời cho, ngoài bạn bè, chả ai biết Thái Bá Lợi đã mang trải nghiệm đời mình giãi bày trong trang viết đến đâu. Tiểu thuyết lịch sử Minh Sư viết về hành trình mở cõi của các chúa Nguyễn được thể hiện bằng một thi pháp mới mẻ. Anh đã góp phần để xã hội nhìn nhận lại những đóng góp của các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn. Tác phẩm vừa được giải thưởng trong nước vừa được Giải thưởng ASEAN.

Thái Bá Lợi lại tiếp tục miệt mài vào công trình ấn hành toàn tập gồm 7 tập của nhà văn, nhà “Quảng học” Nguyễn Văn Xuân.

Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn

Những bác sĩ - nhà văn

Năm 2009, báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc cho ngành y, anh em nhạc sĩ chúng tôi được mời đến dự lễ phát động cuộc thi. Bữa đó, tôi gặp Trần Sĩ Tuấn – nhà thơ kiêm tổng biên tập báo. Nghe Tuấn nói anh quê ở Hà Trung , Thanh Hóa, tôi đọc cho Tuấn nghe câu thơ của Vũ Đình Văn: “Điếu thuốc Sầm Sơn bảo rằng đêm rất sâu / Người Hà Trung nhắc anh đừng sợ lạc / Ai gọi dải núi trước nhà mình là Giăng Hạc / Để ấm lưng trong một dãy Cù Êu”. Tuấn thốt lên: “Thơ viết về quê em hay thế mà em chưa biết”. Nhân vui, tôi nói Tuấn có bài thơ nào về ngành y đưa cho tôi, biết đâu sẽ phổ thành một ca khúc hay. Và Tuấn đã đưa cho tôi bài thơ Dạ khúc trắng. Nghề y là nghề của những đêm trắng bên người bệnh, bởi thế, tôi đã nhanh chóng hoàn thành ca khúc Dạ khúc trắng. Nhưng vì tôi ở trong ban giám khảo nên không được dự thi mà chỉ được gửi hưởng ứng thôi. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cùng trong ban giám khảo khuyên tôi thôi làm giám khảo mà dự thi vì thấy ca khúc có chất lượng, có chiều sâu. Nhưng kẹt. Ai lại làm thế. Song cuối cùng, tuy nhạc sĩ Nguyễn Cường được giải nhất, Bộ Y tế vẫn cho thêm hai tặng thưởng bằng tiền thưởng giải Nhất cho Dạ khúc trắng của tôi và Những viên thuốc lăn đi của Trần Tiến. Các năm sau, cứ vào dịp kỷ niệm ngày y tế Việt Nam 27/2, Ca khúc Dạ khúc trắng thường xuyên được mở đầu hay kết thúc trong chương trình. Sau cuộc thi này, tôi và Tuấn trở nên thân thiết như anh em.

Trần Sĩ Tuấn sinh ngày 1/12/1959. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh học Đại học Y TP.HCM. Khi ra trường, Trần Sĩ Tuấn về làm việc ở BV Thống Nhất (Đồng Nai), BV đa khoa Sài Gòn. Từ tập thơ Mặt trời trong ngực, năm 1992, Trần Sĩ Tuấn được Bộ Y tế để ý như một nhà thơ của ngành y. Trần Sĩ Tuấn cho ra tiếp tập thơ thứ hai mang tên Từ đá vắt ra. Tuy làm bác sĩ, làm báo, nhưng Trần Sĩ Tuấn vẫn đam mê làm thơ. Anh chia sẻ: “Làm một câu thơ hay đáy biển sâu mò ngọc / Cái giây phút ngẫu nhiên phàm tục gặp thánh thần / Một đời thơ - một đời lận đận / Mưa xối trước mặt mình và lửa tắt sau lưng”.

Tuấn làm thơ không nhiều nhưng chất lượng. Bài thơ về Đồng Lộc của Tuấn được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc rất cảm động. Một bài thơ khác lại được nhạc sĩ Duy Thái phổ nhạc cũng rất ấn tượng.

Trần Sĩ Tuấn về hưu năm 2019. Có lẽ anh sẽ giành nhiều thời gian cho thơ hơn nữa.

Nhà văn Y Ban

Những bác sĩ - nhà văn

Vào những năm tháng khó khăn của đất nước, ở Hà Nội, mỗi khi đi qua cửa sân vận động Hàng Đẫy ở phố Trịnh Hoài Đức, người ta thấy một quán nhỏ bán gà tần thuốc Bắc khá đông khách. Nữ chủ quán nói to, tính tình xởi lởi. Không ai biết rằng chủ quán là một nữ nhà văn có hạng với bút danh Y  Ban.

Y Ban tên khai sinh là Phạm Thị Xuân Ban. Hồi đến khóa IV đại học viết văn Nguyễn Du giao lưu với các bạn sinh viên, tôi cứ ngỡ Y Ban là người dân tộc Tây Nguyên. Hóa ra Y Ban quê Nam Định, sinh ngày 1/7/1961 tại Nam Định; một nhà văn có giọng điệu rất “đáo để”. Trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, Y Ban đã tốt nghiệp đại Tổng hợp Hà Nội – khoa Sinh vật. Ra trường chị về giảng dạy ở trường cao đẳng y tế Nam Định, đại học y Thái Bình. Sau đó rời nghề y về  làm báo Giáo dục và Thời đại. Chị tâm sự: “Bước vào đời, tôi đã có một nghề nghiệp tốt, nhưng văn chương đã chọn tôi để thể nghiệm. Chưa khi nào tôi có ý định rời bỏ văn chương. Tôi sẽ viết đến khi nào văn chương chối bỏ tôi”.

Từ khi vào học trường viết văn Nguyễn Du khóa IV, Y Ban đã được biết đến khi đoạt giải thưởng cuộc thi 1989-1990 của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu CơChuyện một người đàn bà.

Giải thưởng giúp Y Ban tự tin và liên tiếp cho ra đời các văn phẩm Người đàn bà có ma lực (1993), Đàn bà sinh ra từ bóng đêm (1995), Vùng sáng ký ức (1996), Truyện ngắn Y Ban (1998), Miền hoang (2000), Cần cù (2001)… cứ thế ào ào tuôn chảy, có dễ tới vài chục truyện ngắn, tiểu thuyết. Văn của Y Ban bàng bạc màu erotic (nhục tính) và rất sòng phẳng, chân thật trong những miêu tả đậm chất đời sống. I am đàn bà là một dẫn chứng tiêu biểu. Gần đây, tôi đọc truyện ngắn Biệt đội Thiên Lý của Y Ban trên giai phẩm Viết & Đọc số mùa hè 2020. Truyện kể về những người thiếu nữ xinh đẹp được lập thành một biệt đội “mỹ nhân kế” làm cho những tên lính Pháp mê mẩn tâm thần, chọn thời cơ thuận lợi, cắt động mạch cổ chúng bằng những con dao lam sắc mỏng. Khi giải nghệ, họ vẫn gắn bó với nhau như chị em ruột. Chuyện thật cảm động và bất ngờ. Thế mới thấy chiến tranh nhân dân thật kỳ diệu.

Y Ban thật hồn nhiên khi tự “hát chay” các giá đồng trong các cuộc vui khiến nhiều anh em sửng sốt. Giọng chầu văn của Y Ban cứ miết vào người nghe một nỗi niềm gì đó không rõ rệt, nhưng có sức mạnh của tâm linh, mặc dù nữ nhà văn trong mùa xuân này đã vào tuổi lục tuần.

Nhà thơ Phan Thị Vàng Anh

Những bác sĩ - nhà văn

Những năm tháng chống Mỹ, ngoài “thần đồng” thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa, người ta còn biết có thêm một đội ngũ “nhí” làm thơ nữa như Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi ... nhưng khiến nhiều người chú ý nhất  là Phan Thị Vàng Anh, ái nữ của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường với bài Mèo con đi học: “Hôm nay trời nắng chang chang / Mèo con đi học chẳng mang thứ gì / Chỉ mang một chiếc bút chì / Và thêm một mẩu bánh mỳ con con”.

Phan Thị Vàng Anh sinh ngày 18/8/1968 tại Hà Nội. Sau ngày thống nhất ít năm, gia đình nhà thơ Chế Lan Viên vào cư ngụ ở TP.HCM. Phan Thị Vàng Anh tốt nghiệp Đại học Y TP.HCM, nhưng nghiệp văn chương đã khiến cô phải rời bỏ áo blouse trắng với con dao mổ để cầm bút đối thoại, chất vấn với cuộc đời trên từng trang viết. Nghiệp văn có sẵn trong gien văn chương trao truyền từ cha mẹ. Đấy là bản tính thông minh, sắc sảo không khác gì nhà thơ Chế Lan Viên, cha của Phan Thị Vàng Anh. Tác phẩm đầu tay Khi chúng ta trẻ (1993) ra đời, Vàng Anh được đón nhận như một cây bút nữ có phong cách. Sau đó liên tiếp là những văn phẩm hấp dẫn được ca ngợi như truyện vừa Ở nhà (1994), tập truyện Hội chợ (1995) và tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông (2004). Phan Thị Vàng Anh trình làng một thi phẩm đặc sắc mang tên Gửi VB (2006). Một tập thơ mà tôi cảm nhận tràn ngập nỗi cô đơn thời hiện đại – nỗi cô đơn “đời mới”.

Không tìm thấy một chữ “cô đơn” nào trong toàn bộ tập thơ, nhưng sau khi đọc, ta thấy một nỗi cô đơn vây bủa bỏng buốt. Nỗi cô đơn của những cá nhân ngày càng mạnh mẽ, càng bản lĩnh trên hành trình vươn tới những đỉnh cao khát vọng.  Nỗi cô đơn như một thứ năng lượng để tác giả khám phá ra những điều mới mẻ giữa thế giới quen thuộc, nhàm chán của một công chức thời hiện đại. “Đến khi máy lạnh còn chưa mở, bình đun nước chưa mở, và cửa còn đóng - Khi mùi giấy tờ còn ấm suốt hành lang và tiếng giày của chính mình còn vang lên nhức óc - Thấy yêu đến nghẹt thở cái công tắc đèn mỗi ngày mình là người đụng đến đầu tiên”.

Nỗi cô đơn đó không phủ nhận quá khứ, vẫn kế thừa bằng những liên tưởng ngắn để nhận ra những triết lý thời nào cũng có nhưng hoặc không nhận ra hoặc cố tình không thấy: “Tất cả tiếng chim hót đều giấu mặt” cũng như “Mới biết lũ chó không hề ngủ - Hớn hở đi theo chủ - thành đàn”. Nỗi cô đơn tinh tế đến trắc ẩn, vừa ca ngợi tự do “hai con mèo vắng mặt – không lý do”, lại vừa xót xa về sự lạnh nhạt khi “không hỏng gì – không mất gì – chỉ chó con – lớn phổng phao – lạnh nhạt”. Cô đơn hoang mang “Quờ tay tìm viên thuốc – Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai”.

Gửi VB mới thấy Phan Thị Vàng Anh chẳng hề có ý định đổi mới hay cách tân thơ. Bằng cách sống mới, nghĩ mới, vui buồn mới, cô tiếp tục viết ra những câu thơ tươi mới. Năm 2006, lúc 38 tuổi  có tập thơ đầu tiên Gửi VB. Khi ấy, cô là Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng ban nhà văn nữ. Nhưng sau một nhiệm kỳ thì nữ thi sĩ đã rời khỏi vị trí này nhẹ như không.

Những bác sĩ - nhà văn


NGUYỄN THỤY KHA
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn