Dùng thuốc huyết áp amlodipine bị phù xử trí thế nào?

04-08-2024 06:58 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Amlodipine là loại thuốc quen thuộc đối với người bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây tác dụng phụ phù hai chi dưới. Vậy người bệnh có nên tự ý đổi hay ngừng thuốc khi gặp tác dụng phụ này không?

 
Dùng thuốc huyết áp amlodipine bị phù xử trí thế nào?- Ảnh 1.

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8

Mới đây, tòa soạn nhận được câu hỏi từ phía độc giả: "Tôi năm nay 64 tuổi, đang dùng thuốc amlodipine để điều trị tăng huyết áp. Gần đây, tôi nhận thấy hai chân phù to vào buổi chiều. Qua thăm khám, không phát hiện ra dấu hiệu bất thường ở thận, nghi ngờ phù do tác dụng phụ của thuốc. Vậy tôi có nên đổi thuốc trị tăng huyết áp hay không?".

Dưới đây là phần giải đáp của ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 về vấn đề này:

1. Vì sao thuốc trị tăng huyết áp amlodipine gây phù?

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền cho biết, amlodipine thuộc nhóm thuốc chẹn kênh calci, có tác dụng hạ huyết áp bằng cơ chế làm giãn mạch.

Do thuốc chủ yếu gây giãn các tiểu động mạch trước mao mạch, làm tăng tính thấm của thành mạch và thoát dịch từ lòng mạch ra khoảng kẽ. Động mạch càng nhỏ, càng bé và thành mạch càng mỏng, khi giãn mạch khả năng thoát dịch từ lòng mạch ra bào tương càng nhiều.

Phù ở chi dưới và đặc biệt là vùng mắt cá chân dễ xảy ra vì chân vừa xa tim nhất, vừa là cơ quan nằm ở vị trí thấp nhất cơ thể, khả năng thu hồi máu từ các tiểu tĩnh mạch trở về tim là khó khăn nhất. Khi tiểu tĩnh mạch chưa dẫn lưu máu kịp về tim thì lượng máu tuần hoàn cung tới các tiểu động mạch đã tới, sẽ gây thừa tức thời nên ứ lại, càng dễ thẩm thấu dịch ra bào tương, nên dễ gây phù.

Phù do sử dụng thuốc chẹn kênh calci - điển hình là amlodipine thường có đặc điểm phù nhẹ, cảm giác hơi căng ở vị trí phía dưới cẳng chân, hoặc phù kín mắt cá chân. Khi dừng thuốc hoặc đổi thuốc trị tăng huyết áp, các triệu chứng phù sẽ biến mất. Đồng thời, các chỉ số xét nghiệm ure, creaarinin, kali, proBnP trong máu và xét nghiệm nước tiểu đều bình thường.

 
Dùng thuốc huyết áp amlodipine bị phù xử trí thế nào?- Ảnh 2.

Phù do sử dụng thuốc amlodipine thường phù nhẹ, cảm giác hơi căng ở vị trí phía dưới cẳng chân, hoặc phù kín mắt cá chân.

2. Khi phù nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần làm gì?

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền cho biết, những trường hợp phù nghi do thuốc chẹn kênh calci, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây phù.

Ngoài các xét nghiệm đánh giá bệnh thận và albumin huyết thanh, nếu cẩn thận hơn và khi có điều kiện, người bệnh cần được chỉ định siêu âm doppler mạch chi dưới, nhất là những người cao tuổi thường có suy tĩnh mạch/suy van tĩnh mạch chi dưới, có thể làm nặng thêm tình trạng phù do thuốc; hoặc bất cứ dấu hiệu nào của huyết khối hoặc viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, hoặc tắc bạch mạch như phù không đối xứng, phù cứng, phù kèm theo tím và đau, đôi khi kèm theo sốt.

Khi được xác định phù do tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh calci, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết hoặc đi khám lại, bác sĩ có thể điều chỉnh liều, thay thế thuốc điều trị tăng huyết áp phù hợp cho người bệnh. 

Người bệnh không được tự ý dừng thuốc, vì bỏ thuốc sẽ khiến cho tình trạng huyết áp không được kiểm soát, dễ xuất hiện các cơn tăng huyết áp kịch phát, tăng nguy cơ tai biến nguy hiểm.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Người bệnh tăng huyết áp 'có thể quên ăn nhưng tuyệt đối không được quên uống thuốc' | SKĐS

Minh Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn