1. Khi nào cần uống thuốc hạ huyết áp?
Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần phải dùng thuốc dài hạn với mục tiêu là kiểm soát huyết áp và ngăn chặn các biến chứng của huyết áp cao lên các cơ quan đích như mắt, tim, não, mạch máu, thận…
Thuốc hạ huyết áp sẽ không gây kháng thuốc hay phụ thuộc. Trường hợp huyết áp tương đối cao, bác sĩ có thể kê kết hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp để có tác dụng tốt hơn.
Thế nhưng, nhiều bệnh nhân không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc mà tự ý ngưng dùng thuốc hoặc tăng/giảm liều, tiềm ẩn nhiều mối nguy đến sức khỏe. Có người vì muốn hạ huyết áp, muốn có kết quả ngay nên uống thuốc không thấy hiệu quả sau ít ngày đã tự ý thay đổi thuốc khác. Có người sợ dùng thuốc có phản ứng phụ, sợ tác dụng phụ, sợ kháng thuốc, nhờn thuốc… Đặc biệt, không ít trường hợp tự ý bỏ thuốc vì thấy huyết áp trở về bình thường, nghĩ rằng bệnh đã khỏi sau một thời gian điều trị thuốc hạ huyết áp.
2. Hệ lụy khi uống thuốc hạ huyết áp thất thường
Tăng huyết áp vốn là bệnh mạn tính, tiến triển âm thầm trong một thời gian dài cho đến khi xảy ra các biến cố sức khỏe nghiêm trọng. Chính điều này khiến người bệnh tăng huyết áp thường có tâm lý chủ quan, không tuân thủ điều trị.
Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng dùng thuốc huyết áp khi thấy chỉ số huyết áp về bình thường, chỉ uống khi thấy huyết áp cao. Điều này rất nguy hiểm vì huyết áp về bình thường là do tác dụng của thuốc, khi nồng độ thuốc trong máu không còn nữa, huyết áp sẽ tăng trở lại.
Khi huyết áp cao có thể không gây biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận ra. Nếu không được điều trị kịp thời, huyết áp duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương các cơ quan đích như tim, não, thận và các mạch máu toàn thân cũng như chức năng của võng mạc bị suy giảm, thậm chí dẫn đến các biến chứng nguy cơ cao như bệnh mạch vành và đột quỵ…
3. Lời khuyên của bác sĩ
Đối với người bệnh khi được kê đơn dùng thuốc trị tăng huyết áp, cần nhớ uống thuốc đều đặn hàng ngày. Người bệnh nên duy trì thói quen uống thuốc cùng một thời điểm trong các ngày để tránh quên thuốc và đảm bảo thuốc hoạt động tốt nhất.
Trường hợp huyết áp đột ngột tăng cao (nhất là trên 180/110mmHg), người bệnh cũng không nên tự ý tăng liều thuốc. Khi đó, nên để người bệnh nằm nghỉ ngơi 10-15 phút rồi đo lại huyết áp để xác định mức độ tăng huyết áp. Chú ý theo dõi các triệu chứng bất thường như đau thắt ngực, đau đầu, khó thở, nhìn mờ, rối loạn tiểu tiện, buồn nôn, nôn, co giật… thì đưa người bệnh đến ngay bệnh viện gần nhất, tránh để biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, người bệnh cần tái khám khi hết thuốc để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, từ đó có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc khi cần thiết.
Người bệnh tăng huyết áp cũng cần chú ý hơn đến việc cải thiện lối sống, bao gồm:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống và kiểm soát lượng muối ăn vào. Ăn nhiều trái cây, rau quả và ít thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường và nhiều muối.
- Tập thể dục ở cường độ vừa phải nhằm kiểm soát cân nặng, từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu…
- Giữ cảm xúc ổn định và chú ý giảm bớt áp lực tinh thần do công việc và cuộc sống gây ra.
Mới đây, tòa soạn nhận được câu hỏi từ độc giả: "Huyết áp của tôi bình thường 138/90. Tôi không uống thuốc hạ huyết áp đều đặn, mà chỉ uống 1 viên amlodipin 5mg mỗi khi huyết áp tăng lên 156/94. Cứ vài ngày, hoặc 1 tuần, huyết áp tăng lên như trên, tôi lại uống 1 viên amlodipin và huyết áp trở lại bình thường. Xin hỏi, uống vậy có sao không?
Giải đáp câu hỏi này, ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền cho biết, việc tự ý ngưng sử dụng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp trở về bình thường là một trong những sai lầm mà nhiều người bệnh mắc phải, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, cũng như tăng nguy cơ biến chứng do huyết áp cao. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, người bệnh vẫn cần dùng thuốc hạ huyết áp đều đặn theo đơn của bác sĩ kiểm soát, duy trì huyết áp ổn định, từ đó giúp giảm thiểu các nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Muốn huyết áp ổn định thì nên 'cạch mặt' 5 loại thực phẩm này | SKĐS