1. Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp
Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, các loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp có vai trò quan trọng giúp làm giảm áp lực trong động mạch và hạ huyết áp, nhờ đó giảm nguy cơ các biến chứng liên quan đến huyết áp cao như đột quỵ, tim mạch và suy thận. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Dưới đây là một số tác dụng phụ điển hình của thuốc trị tăng huyết áp bạn cần biết để gặp bác sĩ trao đổi.
1.1. Gây ho khan kéo dài dai dẳng
Angiotensin là một chất gây co mạch và tăng huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển ACE (Angiotensin-convert Enzyme) được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp nhằm ức chế tác dụng co mạch của angiotensin trên động mạch, giúp mạch máu thư giãn, làm hạ huyết áp. Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng – pril như captopril, enalapril, lisinopril, perindopril...
Tuy nhiên, thuốc thường gây ho khan kéo dài mà không thể điều trị bằng các loại thuốc ho thông thường. Nếu có triệu chứng này, người bệnh cần đi khám để loại trừ nguyên nhân về đường hô hấp, tai mũi họng, phổi, từ đó có phương hướng điều trị phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định đổi thuốc cho bệnh nhân.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác có thể gặp phải khi dùng thuốc ức chế men chuyển là mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, rối loạn men gan, suy thận (hiếm gặp)... Người bệnh tăng huyết áp cũng cần lưu ý không sử dụng nhóm thuốc này khi nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai.
1.2. Gây phù
Một số người bệnh tăng huyết áp bị phù 2 chi dưới do tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh canxi, đặc biệt là khi sử dụng amlodipin. Thuốc chẹn kênh canxi thường được sử dụng chung hoặc riêng biệt với các loại thuốc khác để điều trị tăng huyết áp. Cơ chế hoạt động bằng cách nới lỏng các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn.
Cho đến nay, amlodipin vẫn là một lựa chọn thuốc hạ áp an toàn và hiệu quả, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi. Khi đi khám, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp và sử dụng thuốc của mình để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Trường hợp nghi ngờ bị phù do thuốc chẹn kênh canxi, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ và phương án xử trí kịp thời.
1.3. Co thắt phế quản, đặc biệt là ở người có tiền sử hen phế quản
Thuốc chẹn beta giao cảm có tên kết thúc bằng –lol như atenolol, bisoprolol, nebivolol, carvedilol, metoprolol... thường không thích hợp với người bệnh có tiền sử hen phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần thông báo đầy đủ tiền sử bệnh của mình với bác sĩ điều trị để tránh gặp phải tác dụng phụ gây co thắt phế quản.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường và đang dùng insulin cũng cần hết sức lưu ý, bởi thuốc chẹn beta cũng có thể che dấu các dấu hiệu của tụt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi và điều chỉnh bởi bác sĩ để đảm bảo hiệu quả. Hiện nay theo khuyến cáo mới, bác sĩ sẽ phối hợp thuốc sớm ngay từ đầu đối với tăng huyết áp độ 1 để tăng hiệu quả điều trị, đồng thời giảm nguy cơ tác dụng phụ.
ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 trao đổi về tác dụng phụ phổ biến của thuốc tăng huyết áp.
2. Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc trị tăng huyết áp
ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền cho biết, để kiểm soát huyết áp tốt đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ các biện pháp về lối sống và chế độ ăn uống (chế độ ăn uống cân bằng, bỏ thuốc lá, hoạt động thể chất 30 phút mỗi ngày...) và điều trị dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Khi sử dụng thuốc cao huyết áp, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ đúng liều lượng và nên uống thuốc cùng một thời điểm trong các ngày: Nếu đang sử dụng thuốc trị tăng huyết áp, cần đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng và cách dùng thuốc như được hướng dẫn. Ngoài ra, người bệnh nên duy trì thói quen uống thuốc đều đặn cùng một thời điểm trong các ngày. Điều này giúp đảm bảo thuốc hoạt động tốt nhất, tránh quên thuốc và giảm nguy cơ tác dụng phụ.
- Không tự ý tăng/giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc một cách đột ngột: Nhiều người bệnh khi thấy huyết áp ổn định đã tự ý bỏ thuốc. Việc này có thể khiến huyết áp tăng lên nhanh chóng mà bệnh nhân không thể nhận ra, dẫn đến các nguy cơ biến chứng tim mạch nguy hiểm như đột quỵ. Mặt khác, người bệnh cũng không được tự ý tăng liều thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh việc sử dụng không đúng gây tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
- Tất cả các loại thuốc nên được uống cùng nước lọc: Không ít người bệnh nhân có thói quen tiện nước nào thì dùng loại nước ấy để uống thuốc. Có khi là nước chè tươi, nước ép trái cây, nước canh, thậm chí là cà phê. Điều này có thể gây tương tác thuốc, làm ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của thuốc. Vì vậy tốt nhất nên uống thuốc cùng nước lọc để tránh gặp phải tác dụng phụ.
- Tái khám sức khỏe định kỳ: Tăng huyết áp là bệnh mạn tính cần điều trị "cả đời". Người bệnh cần tái khám khi hết thuốc để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, từ đó có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc khi cần thiết.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Người bệnh suy tim cần kiêng gì để bệnh không nặng hơn | SKĐS