Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, verapamil - thuốc chẹn kênh calci đầu tiên được sử dụng trên lâm sàng để điều trị đau thắt ngực. Nhiều năm sau, các hoạt chất khác cùng nhóm thuốc này tiếp tục được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch và trở thành một trong những nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến nhất. Tuy nhiên, thuốc có nhiều phân nhóm có hiệu lực và tác dụng không mong muốn khác nhau nên cần lưu ý khi sử dụng.
Một số phân nhóm và các thế hệ của thuốc
Theo cấu trúc hóa học và đặc tính dược lý, các thuốc chẹn kênh calci được chia thành 3 phân nhóm: nhóm phenylalkylamin tác dụng chọn lọc trên tim, nhóm benzothiazepin có tác dụng trên tim và mạch tương đương và nhóm dihydropyridin có tác dụng chọn lọc trên mạch máu. Nhóm dihydropyridincó 3 thế hệ: thế hệ 1 có tác dụng nhanh nhưng thời gian bán thải ngắn nên cần dùng thuốc 2-3 lần/ngày; thế hệ 2 có tác dụng chọn lọc cao hơn với tế bào cơ trơn thành động mạch, đồng thời tác dụng kéo dài hơn nhóm thứ nhất và ít tác động đến dẫn truyền nhĩ thất, nhịp tim và sức co bóp của cơ tim; thế hệ thứ 3 (amlodipin) có ái lực rất cao với kênh vận chuyển ion calci, có tác dụng khởi phát chậm nhưng kéo dài nên chỉ cần uống thuốc duy nhất 1 lần/ngày.
Lưu ý khi sử dụng thuốc cho người bệnh tim.
Tác dụng khác nhau của thuốc trên các nhóm cơ và bệnh lý
Các thuốc chẹn kênh calci mặc dù có công thức hoá học khác nhau nhưng đều có chung một cơ chế tác dụng là gắn vào kênh vận chuyển ion calci ở màng tế bào, ngăn cản dòng ion calci từ ngoại bào vào trong bào tương, do đó ngăn cản được tác dụng gây co cơ tim (co cơ tim có thể gây nhồi máu cơ tim) hoặc cơ trơn thành mạch (đảm bảo dòng máu lưu thông thông thoáng). Cụ thể, tác dụng của các thuốc chẹn kênh calci đối với các nhóm cơ được biết đến là:
Trên cơ trơn: Thuốc làm giãn các loại cơ trơn ở khí - phế quản, đường tiêu hóa, tử cung nhưng đặc biệt là thành mạch.
Trên cơ tim: Thuốc chẹn kênh calci làm giảm tạo xung động, giảm dẫn truyền và giảm co bóp cơ tim, vì thế làm giảm nhu cầu oxy trên bệnh nhân có co thắt mạch vành.
Đối với bệnh lý, thuốc thường được sử dụng cho các bệnh:
Tăng huyết áp (cả bệnh tăng huyết áp và cơn tăng huyết áp): Thuốc làm giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, có tác dụng trên nhiều nhóm tuổi, đặc biệt đối với người già có tăng huyết áp tâm thu đơn độc.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Thuốc chẹn kênh calci chọn lọc trên tim được chỉ định trong điều trị cơn đau thắt ngực ổn định, thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực do co thắt động mạch vành. Có thể dùng phối hợp với các nhóm thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ khác như chẹn beta giao cảm, ức chế men chuyển dạng angiotensin.
Loạn nhịp tim: Điều trị một số loạn nhịp nhĩ như nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu nhĩ.
Bên cạnh 3 chỉ định chính kể trên, thuốc chẹn kênh calci còn được chỉ định trong một số bệnh như tăng áp động mạch phổi tiên phát, co mạch não sau xuất huyết dưới màng nhện, bệnh cơ tim phì đại, rối loạn chức năng tâm trương thất trái, bệnh đau nửa đầu Migraine, hội chứng Raynaud.
Những lưu ý cần thiết khi dùng thuốc
Các tác dụng không mong muốn: Tác dụng giãn mạch của các thuốc chẹn kênh calci gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như nóng bừng mặt, bốc hỏa, nhức đầu, tim đập nhanh, mệt mỏi và phù ngoại vi (thường gặp với nhóm dihydropyridin). Khoảng 1-3% bệnh nhân bị tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn/nôn, chán ǎn, táo bón, tǎng cân, khát nước, khó tiêu và loạn vị giác. Các xét nghiệm tǎng chức nǎng gan nhẹ tạm thời; tổn thương tế bào gan đã được báo cáo, thường xuất hiện trong vòng 1-8 tuần sau bắt đầu điều trị. Song, những thay đổi này sẽ hết khi ngừng điều trị.
Những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hơn bao gồm nhịp chậm, nghẽn nhĩ thất ở các mức độ, có thể cần phải dùng atropin khi nặng và tụt huyết áp quá mức. Mặc dù tất cả các dihydropyridin có đặc tính co cơ yếu nhưng có nguy cơ xảy ra hoặc làm xấu đi suy tim sung huyết hoặc phù phổi trong khi điều trị các thuốc này do giảm hậu gánh, đặc biệt với amlodipin.
Lựa chọn đúng loại thuốc cần dùng: Thuốc chẹn kênh canxi có nhiều nhóm, mỗi phân nhóm có hiệu lực tác dụng không mong muốn khác nhau. Có những thuốc cùng tên gốc nhưng do phương pháp bào chế lại được xếp vào các thế hệ khác nhau song vẫn mang cùng tên biệt dược và chỉ phân biệt được ở phần đuôi của tên thuốc. Do vậy, khi dùng nhóm thuốc này cần lưu ý lựa chọn đúng thuốc vì nếu dùng không đúng sẽ không có hiệu quả mà còn gây tai biến. Ví dụ, nifedipin được sản xuất dưới dạng nhanh, ngắn; (adalat) giải phóng chậm (adalat retard) hoặc tác dụng kéo dài. Adalat LA (tác dụng kéo dài). Biệt dược adalat ngậm dưới lưỡi có tác dụng điều trị cơn tăng huyết áp cấp tính, cơn Raynaud; dùng đường uống có tác dụng dự phòng cơn đau thắt ngực và dự phòng tái phát hội chứng Raynaud. Adalat retard và adalat LA được dùng trong điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực ổn định mạn tính.